Mới đây, việc 21 tỉnh cùng cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự cho thấy chỉ đạo của Chính phủ đang được triển khai. Mặt khác cũng phải nói ngay rằng, có việc hình sự hóa quan hệ kinh tế và điều đó gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên nay mới phải bỏ nó đi. Có tội thì phải chịu tội, nhưng từ vướng mắc trong kinh doanh, làm ăn lại nâng lên thành tội, “hình sự hóa” nó để xử tù sẽ tạo ra vô số hệ lụy, thủ tiêu ý chí làm ăn của doanh nhân, của người dân.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự tạo ra môi trường tốt
để doanh nghiệp phát triển.
Đây chính là vấn đề môi trường doanh, làm ăn đối với doanh nghiệp, người dân: nếu hình sự hóa thì sẽ dẫn đến rào cản; còn nếu không hình sự nó lên thì sẽ thông thoáng.
Trở lại việc cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh doanh. Tối 22/9, tại Hà Nội, 18 chủ tịch và 3 phó chủ tịch của 21 tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Như vậy, đến nay 100% các tỉnh, thành đều đã thực hiện yêu cầu được nêu tại nghị quyết của Chính phủ, ký cam kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp với VCCI.
Trong cam kết, người ta chú trọng dến việc định kỳ tổ chức đối thoại công khai giữa chính quyền và doanh nghiệp, báo chí; Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh/thành để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, các tỉnh tham gia ký kết đều “hứa” sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Với Hải Dương, tỉnh còn cam kết công khai kết quả xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, gây khó cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Còn nhớ, tại hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế” tổ chức sáng 29/4, tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta nên tránh bệnh hình thức. Gặp là phải nghe và tháo gỡ cho doanh nghiệp để phát triển thực sự. Sau khi nghe vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh phải có phát biểu rõ ràng để giải quyết trực tiếp những tâm tư, khó khăn mà doanh nghiệp trình bày. Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng hiến pháp, đổi mới loại bỏ giấy phép cũ lạc hậu, bảo vệ quyền kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp, của công dân”. Chưa hết, Thủ tướng còn khẳng định: “Tinh thần của Chính phủ là không hình sự hóa hoạt động hành chính và kinh tế”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, về phía doanh nghiệp phải liêm chính, chân chính.
Vì lợi nhuận, không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn chân chính; nhưng cũng không thể từ đó mà luôn nghĩ doanh nghiệp nào cũng “làm bậy”, từ đó chỉ chăm chăm hình sự hóa vấn đề. Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI không ít lần bày tỏ mối lo ngại ấy và luôn kêu gọị phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới; tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi- chỉ có như thế doanh nghiệp mới phát triển. Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì “quy định tốt, nhưng người thực hiện không tốt thì mọi nỗ lực cải cách đều bị tắc”.
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự từng được coi như một “thói quen” của nhiều người được giao trọng trách “tìm ra sai phạm”. Và thế là doanh nghiệp mặc nhiên trở thành đối tượng trong “tầm ngắm”. Thanh tra liên miên, bắt giải trình liên tục, sai sót gì trong làm ăn kinh doanh, giao dịch thương mại cũng rất dễ bị nâng lên cấp độ hình sự, chủ yếu là ghép vào tội danh cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Người trực tiếp “thụ lý” quyền quá to nên dễ dẫn đến chuyện nhận “lót tay” để xóa án hoặc quy kết án. Cán bộ hỏng mà doanh nghiệp cũng lao đao. Thế thì làm sao doanh nhân dám “xông vào thị trường như ra chiến trường” được.
Vụ chủ quán cà phê “Xin chào” nhiều người vẫn nhớ, nhưng “vụ án lạ” ở Hà Tĩnh có lẽ ít người nhớ, nhưng nó lại rất điển hình cho việc hình sự hóa giao dịch dân sự. Giám đốc công ty nọ mua nợ sim thẻ của Trung tâm dịch vụ khách hàng viễn thông; có trả nợ dần, có biên bản cam kết khất nợ với lý do đầy đủ hai bên cùng ký; nhưng rồi giám đốc doanh nghiệp vẫn bị cho ra tòa với đề nghị tù giam đến 3 năm rưỡi. Vụ án gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là nó có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự nhằm mục đích buộc tội đến cùng. Lúc bấy giờ, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng việc xét xử như vậy đã tạo ra một tiền lệ rất xấu đối mới môi trường kinh doanh, là điển hình của vụ việc hình sự hóa một quan hệ kinh tế, thương mại. Theo ông Tuấn, nếu hàng trăm ngàn công ty tranh chấp không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đều bị truy cứu hình sự cả thì ai còn dám bỏ tiền kinh doanh.
Một xã hội dân chủ, văn minh thì không thể có chuyện lạm dụng quyền lực, không thể cố gắng buộc tội đến cùng; trái lại, phải thông thoáng, phải nâng đỡ, hợp tác cùng phát triển. Việc tất cả các địa phương trong cả nước cam kết không hình sự hóa những vấn đề kinh tế, dân sự vì thế chính là dấu hiệu quan trọng trong việc tạo nên môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng. Mà cũng không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, nói rộng ra, đó còn là với môi trường xã hội nói chung.