Thời gian qua, với sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh như Covid-19, cúm A, cúm B, thủy đậu… nhiều gia đình đã bổ sung đủ loại thuốc bổ, vitamin với mong muốn đề cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu mang tâm lý uống càng nhiều càng tốt hay sử dụng mà không có sự tìm hiểu, hướng dẫn từ các bác sĩ, sức khỏe người sử dụng thuốc có thể bị ảnh hưởng do lạm dụng vitamin.
BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Đối với vitamin C, nếu lạm dụng có thể tạo sỏi thận oxalat, sỏi thận urat hoặc bệnh gút do thải nhiều urat, giảm độ bền hồng cầu. Thực tế, trong chế độ ăn hàng ngày có rau xanh và hoa quả là đủ bổ sung lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể. Do đó, nếu muốn bổ sung vitamin C liều cao người dân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng.
Còn theo BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi thừa vitamin A do uống dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất, hay bố mẹ cho trẻ uống nhiều có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Ngay cả người lớn khi dùng quá nhiều vitamin A cũng gây nên khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng tóc…; phụ nữ đang mang thai nếu lạm dụng cũng có thể khiến thai nhi bị khuyết tật.
Với những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nếu dùng vitamin A quá liều thì chất retinoids có trong vitamin A sau khi vào cơ thể sẽ lưu lại trong gan sản xuất độc tố trong cơ thể gây ra chứng viêm kết mạc, rụng tóc, lão hóa da. Còn những người bị loãng xương, nếu uống vitamin A quá liều thì phốt pho trong máu tăng cao, dễ dẫn đến việc mất canxi xương, tăng nguy cơ loãng xương. Một nghiên cứu về bệnh loét dạ dày cho hay nếu khi bệnh nhân uống thuốc điều trị có bổ sung thêm vitamin A thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
Một minh chứng khác, theo các chuyên gia, vitamin D có vai trò rất lớn với sức khỏe con người song nếu lạm dụng vitamin D bằng cách uống liều cao mà không theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia y dinh dưỡng sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận đọng canxi ở thận, dẫn tới tử vong. Ở trẻ em thừa vitamin D gây chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Người lớn dùng quá liều lâu ngày cũng bị chán ăn, tiêu chảy. Phụ nữ có thai dùng quá thừa vitamin D sẽ bị vôi hóa nhau thai.
Có thể thấy vitamin là những vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin phải được chỉ định, tư vấn từ bác sĩ trên cơ sở tình hình sức khỏe của mỗi người, không phải ai cũng giống nhau. Tránh bổ sung vitamin tùy tiện vì vitamin là “con dao hai lưỡi”, bổ sung dư thừa đều có thể gây ngộ độc hoặc gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.