Thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 1 người tử vong.
Cụ thể, ngày 14/3 vừa qua, CDC Hà Nội, ghi nhận nam bệnh nhân 57 tuổi nhiễm uốn ván giai đoạn toàn phát, điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Vết mổ ở gót chân trái còn đóng vảy, sưng nề do đi lại nhiều. Vết thương lâu lành cùng với môi trường làm việc xây dựng mất vệ sinh có thể là tác nhân khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, một cụ bà (83 tuổi, ở thôn Hạ Hòa, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã tử vong với chẩn đoán bị uốn ván sau hơn 2 tuần bị ngã khi đi dự lễ hội làng.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương gây ra. Thông thường, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát… Trẻ em sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.
BS Đoàn Ngọc Quỳnh - Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, các triệu chứng uốn ván thường xuất hiện sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng ban đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bệnh có thể khởi phát từ 4 ngày đến khoảng 3 tuần, thậm chí mất vài tháng. Nhìn chung, khi vị trí tổn thương càng xa hệ thống thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng kéo dài. Đối với những bệnh nhân có thời gian ủ bệnh ngắn hơn sẽ có xu hướng mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…
Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và tiết độc tố do các vết thương hở ngoài da. Vì vậy nên cẩn trọng khi vô tình bị thú cưng cắn, bị thương trong quá trình xỏ lỗ tai hay xăm hình lên cơ thể. Tốt nhất, cần chủ động vệ sinh vết thương sạch sẽ và không để vết thương hở.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm trùng tai hoặc lở loét tay chân cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh uốn ván. Khi phát hiện những vấn đề trên, bệnh nhân cần theo dõi và tích cực điều trị, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, viêm loét. Nghiêm trọng nhất là khi trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván, nguyên nhân là do quá trình cắt dây rốn cho bé không đảm bảo yêu cầu vô trùng. Hoặc khi chăm sóc trẻ nhỏ, mọi người chưa biết cách vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập và phát triển.
Để tránh bị uốn ván, theo khuyến cáo của các bác sĩ, sau khi bị vết thương nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng.
Hiện, tiêm huyết thanh phòng uốn ván là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng ngừa bệnh khi có vết thương ngoài da.