Kinh tế

Không lo thiếu thịt lợn dịp Tết

Lê Bảo 26/12/2023 09:32

Những năm trước, các hộ chăn nuôi đều phấn khởi khi giá lợn hơi tăng dịp cận Tết. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này, giá lợn xuất chuồng vẫn giảm khiến người chăn nuôi cảm thấy bất an.

anhbaiduoi(1).jpg
Nguồn cung thịt lợn cuối năm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ảnh: Kim Thanh.

Vì sao giá lợn hơi giảm?

Khảo sát thị trường ngày 25/12 cho thấy, giá lợn hơi tại miền Bắc không có thay đổi nhưng đợt tăng từ cuối tuần trước khiến cho giá lợn hơi ở khu vực này đang chênh lệch khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với các vùng khác. Cụ thể tại Bắc Giang và Vĩnh Phúc giá xuất chuồng là 52.000 đồng/kg. Tỉnh Ninh Bình đang neo tại mức thấp nhất 50.000 đồng/kg trong khi các tỉnh thành còn lại duy trì giao dịch ổn định với giá 51.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng không có thay đổi so với cuối tuần trước, nhưng nhu cầu tiêu thụ đã tăng cao hơn, giao dịch sôi động hơn. Cụ thể, thương lái ở Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận đang thu mua lợn hơi với giá 48.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh còn lại đang được giao dịch ở mức 49.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Minh Hòa, chủ một hộ chăn nuôi có đàn lợn lên tới 300 con ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ, năm trước thời điểm này là giá lợn xuất chuồng nhích lên theo ngày nhưng năm nay lại theo hướng ngược lại. “Với giá xuất chuồng 50.000 đồng/kg người chăn nuôi cầm chắc lỗ vì giá lợn giống và cả giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Đó là chưa kể năm nay chi phí để chăm sóc đàn lợn phòng, tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng “ngốn” rất nhiều vào chi phí sản xuất” - ông Hòa nói.

Lý giải giá lợn hơi đang có chiều hướng lao dốc thời điểm này, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, năm nay sức mua giảm nhẹ so với trước đây do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng (lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng). Sức tiêu thụ thực phẩm của các khu công nghiệp giảm mạnh do nhiều công ty giảm quy mô sản xuất. Trong khi đó, nguồn cung lợn thịt trong nước tăng do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tính đến hết 30/11/2023, cả nước xuất hiện hơn 530 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ, số lợn dịch buộc tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,04% tổng đàn lợn (hơn 20.000 con), nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng. Điều này đã tác động trực tiếp lên giá lợn hơi xuất chuồng thời gian qua.

Cận Tết, liệu giá lợn có tăng?

Nhận định về giá lợn hơi trong thời gian tới, nhiều đơn vị chăn nuôi dự đoán sức mua thấp cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ còn kéo giá lợn trong nước đứng ở mức thấp đến hết năm 2023, có thể đến thời điểm gần Tết Nguyên đán mới nhích tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao như mọi năm do nhu cầu của người tiêu dùng năm nay sẽ ít đi vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân không cao.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, những tháng cuối năm, khi nhu cầu tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng nhưng chắc chắn là tăng nhẹ, không đột biến như mọi năm.

Về nguồn cung thịt lợn cuối năm, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, với tổng đàn gần 29 triệu con, Tết Nguyên đán 2024 không lo lắng nguồn cung. Tuy nhiên mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

“Hiện tại không có vấn đề gì quá nghiêm trọng về sức sản xuất, chỉ lo ở đầu tiêu thụ. Bệnh dịch hiện cũng không còn nặng nữa bởi trải qua nhiều năm, độc tố cũng đã giảm dần, không còn bùng mạnh như thời điểm mới xuất hiện” - ông Chinh nêu rõ.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các hộ chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí và hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho các trang trại chăn nuôi lớn mở rộng quy mô sản xuất, qua đó hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Bộ NNPTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công thương và các địa phương, tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lo thiếu thịt lợn dịp Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO