Hiện hơn 50 trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, 9 trường ĐH đã quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD) - gọi chung là kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào.
Theo đại diện Vụ giáo dục ĐH: Các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng.
Không có phương thức nào là tuyệt đối
ĐH Quốc gia TPHCM đã chính thức mở cổng đăng ký kỳ thi ĐGNL đợt 1 năm 2023 từ ngày 1/2. Năm 2023, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục được tổ chức với 2 đợt thi: Đợt 1 diễn ra ngày 26/3 (tại 21 tỉnh thành); đợt 2 vào ngày 28/5. Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả 2 đợt. Để đăng ký dự thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM, thí sinh đăng ký trực tuyến tại trang thông tin điện tử của kỳ thi. Thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 1/2 đến hết ngày 28/2.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, sau khi đăng ký tài khoản, các thí sinh nhớ kiểm tra ngay email của mình để kịp thời bấm nút xác nhận tài khoản nhằm giúp quá trình đăng nhập được thuận lợi. Ngay khi được cấp tài khoản truy cập vào website của kỳ thi, thí sinh cần truy cập và kiểm tra để đảm bảo tính chính xác của các thông tin.
Còn GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Điểm khác biệt của đề thi ĐGNL của Trường so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi ĐGNL khác chính là phần thi tự luận. Điểm mới năm nay, kết quả của kỳ thi này không chỉ dùng để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà còn dùng để xét tuyển vào nhiều trường ĐH sư phạm trên toàn quốc.
Theo ông Minh, không có một phương thức thi nào là tối ưu tuyệt đối. Do đặc thù cụ thể mà nhà trường chọn phương thức thi riêng, phù hợp với công tác tuyển sinh và đào tạo của nhà trường và các cơ sở đào tạo sư phạm. Kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được xây dựng dựa trên lộ trình để đến năm 2025 chuyển sang chương trình phổ thông mới. Theo đó, đề thi ĐGNL năm nay có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, trừ môn Ngữ văn (70% tự luận và 30% trắc nghiệm). Ngoài ra, kiến thức đều nằm trong chương trình học.
Thí sinh cân nhắc, lựa chọn phương thức phù hợp
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), Luật Giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh. Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi riêng. Theo quy định của Quy chế tuyển sinh, các trường ĐH muốn tổ chức kỳ thi riêng phải đảm bảo các yêu cầu, khung quy định tại điều 12, 13, 14 và 15.
Hiện, một số trường tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh, ngoài việc lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển. Bà Thủy khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân. Thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, vừa lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT, thí sinh cần hiểu rõ, các kỳ thi riêng có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…