Số lượng trẻ mắc Adenovirus tại Hà Nội vẫn đang bùng phát trong những ngày qua, dẫn đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn, Nhi Trung ương,… hầu hết đều trong tình trạng quá tải.
Ghi nhận tại các bệnh viện nói trên, trẻ nhập viện do mắc Adenovirus chủ yếu từ 1 - 3 tuổi và phần lớn ở Hà Nội. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, trong 3 tuần qua, ca mắc Adenovirus tăng mạnh, ghi nhận 2.990 ca, nâng tổng số ca mắc lên 3.130 ca từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, số ca tử vong cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh dù những ca tử vong chủ yếu là trẻ có bệnh nền như suy dinh dưỡng, ung thư… Hiện tại, Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho 300 ca mắc Adenovirus, trong đó có hơn 40 ca nặng.
Còn tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, đến nay ghi nhận 84 ca, hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 57 ca mắc Adenovirus, với 5 ca nặng, nguy kịch phải hỗ trợ hô hấp (thở CPAP, thở máy). Tại các bệnh viện: Thanh Nhàn, đa khoa Hà Đông tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi trung ương chuyển về hoặc từ các bệnh viện tư nhân.
Đi kèm với dịch bệnh bùng phát và sự lo lắng của các bậc phụ huynh, thị trường xét nghiệm tại nhà cũng đang vô cùng nhộn nhịp. Khảo sát nhanh cho thấy, giá dịch vụ khám, xét nghiệm Adenovirus tại các cơ sở y tế có nhiều mức khác nhau. Test nhanh có giá khoảng 239.000 đồng, xét nghiệm Elisa giá 390.000 đồng, xét nghiệm PCR giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng.
Vừa nhận được kết quả chẩn đoán xác định con gái mắc Adenovirus, chị Nguyễn Thanh H. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do nắm bắt được nhiều dịch bệnh đang bùng phát nên khi con có dấu hiệu ho, sốt cao chị đã gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà để test cúm A, B và Adenovirus với giá gần 1,5 triệu đồng.
Thực tế, không ít gia đình cũng rơi vào một vòng luẩn quẩn như trên, trẻ có triệu chứng nhẹ, lo lắng nên gọi xét nghiệm tại nhà, nhận kết quả rồi thì đưa con đi viện nhưng tình trạng không cần nhập viện.
PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhận xét, người dân đang lãng phí vì xét nghiệm Adenovirus tràn lan như hiện nay. Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm.
Còn PGS. TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi trung ương khẳng định, việc người dân tự cho con xét nghiệm không hề có tác dụng trong điều trị bệnh. Bởi việc chỉ định xét nghiệm sẽ do các bác sĩ thăm khám trẻ ra chỉ định phù hợp. Người dân nên hiểu rằng dù xét nghiệm ra Adenovirus dương tính, các bác sĩ cũng kê toa và theo dõi giống nhiễm virus thông thường. Chăm sóc trẻ nhiễm Adenovirus cũng giống như chăm những bé bị viêm hô hấp do virus khác. Phần lớn trẻ tự khỏi mà không có thuốc đặc trị.
Theo TS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đa phần bệnh do Adenovirus gây ra thường tự ổn định sau 7-10 ngày. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus nên việc điều trị bệnh do virus này gây ra thường là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Tại nhà, phụ huynh có thể dùng các biện pháp như hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol, vệ sinh mũi họng thường xuyên, nếu trẻ có viêm kết mạc thì nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày đồng thời cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đủ bữa, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tránh bị mất nước.
Đặc biệt không cho trẻ dùng kháng sinh, bởi kháng sinh không có tác dụng với virus Adeno. Chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng của nhiễm vi khuẩn. Để phân biệt được giữa sốt do vi khuẩn và do virus Adeno, trẻ cần phải được thăm khám cẩn thận bởi các chuyên gia và làm các xét nghiệm để đánh giá.