Văn hóa

Không phải cứ nghệ sĩ nổi tiếng thì đương nhiên thành NSND, NSƯT

Hoàng Vân 10/12/2023 11:10

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, danh hiệu NSND, NSƯT vốn dành cho cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đối với nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Vì vậy, không phải là nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi thì đương nhiên là NSND, NSƯT.

Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND. Đây là danh sách mới nhất về phong tặng danh hiệu NSND đợt 2 năm 2023. Danh sách đợt 1 được thông qua và Chủ tịch nước ký vào ngày 22/6 có 77 nghệ sĩ được phong tặng. Tính cả hai danh sách, tổng cộng 119 nghệ sĩ được phong tặng NSND lần thứ 10.

Ngoài số 119 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND lần này, có một số tên tuổi như: Chí Trung, Đỗ Kỷ, Quang Tèo…, đã trượt danh hiệu NSND. Một số nghệ sĩ khác tuy được phong tặng nhưng công chúng ít biết đến. Điều này khiến có người hoài nghi về những bất cập trong công tác xét duyệt danh hiệu.

87563596_150433323119362_7093182332370157568_n.jpg
NSƯT Đỗ Kỷ không được xét danh hiệu NSND vì có đơn thư khiếu nại.

Đặc biệt, ở lần xét duyệt thứ 10 nổi lên trường hợp của NSƯT Đỗ Kỷ trượt danh hiệu NSND vì có đơn thư khiếu nại. Thắc mắc trước điều này, ông đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng để làm rõ. Diễn biến mới nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được đơn kiến nghị của ông và chuyển tới Bộ VH-TT&DL để giải quyết vụ việc.

z4955212624983_b84e546456ec0d7c7ad21c0bab3660be.jpg
NSƯT Quang Tèo, Chí Trung cũng bị trượt danh hiệu NSND trong lần xét danh hiệu thứ 10.

Trong khi đó, NSƯT Quang Tèo chia sẻ với PV việc ông bị trượt danh hiệu NSND vì thiếu một phiếu bầu. Nghệ sĩ Chí Trung cũng bị trượt do thiếu huy chương.

Trước đó, NSƯT Chí Trung từng 2 lần trượt danh hiệu này. Năm 2015, NSƯT Chí Trung trượt danh hiệu NSND ngay từ Hội đồng cấp Bộ. Sau khi có kết quả, ông tỏ ra khó hiểu trước các tiêu chí xét duyệt.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về những tranh cãi xoay quanh việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, danh hiệu NSND, NSƯT vốn dành cho cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối với nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Như vậy, không phải cứ là nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi, thì đương nhiên là NSND, NSƯT.

“Tuy vậy, tôi cũng đồng ý rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, phải được công chúng biết đến thông qua tác phẩm, tài năng nghệ thuật của mình, vì thế đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng của người nghệ sĩ thì cũng cần phải đến được với công chúng.

Thế nên, tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo và áp dụng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Trước câu hỏi với quy định, tiêu chí xét duyệt NSƯT, NSND hiện nay, việc nghệ sĩ có huy chương, thâm niên nhưng vẫn bị loại khỏi quá trình xét duyệt đơn giản vì không đủ 80% phiếu bầu, việc này liệu có nặng cảm tính, cơ chế “xin-cho” hay không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Cũng có một số cuộc thi, xét duyệt danh hiệu mang tính cảm tính. Rõ ràng, khi đã là con người có cảm xúc thì cảm xúc có thể chen lấn vào công việc cũng dễ hiểu. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện cho sự công tâm, công bằng được thể hiện ở mức độ cao nhất. Muốn như vậy thì các quy định phải thực sự rõ ràng, tránh tình trạng hiểu hai nghĩa khác nhau.

"Tôi từng là người trong cuộc, tham gia vào một số hội đồng xét tặng danh hiệu, nên tôi cho rằng Bộ VHTTDL đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Những hồ sơ có vấn đề luôn được thảo luận kỹ lưỡng để có sự nhất trí cao trong hội đồng. Nhưng đúng là do chúng ta còn có những quy định chưa rõ ràng, thậm chí có những vấn đề không được thể hiện trong văn bản, ảnh hưởng đến quyết định của người bỏ phiếu, ảnh hưởng đến kết quả xét tặng danh hiệu", ông Sơn nhấn mạnh.

Một Nghệ sĩ nhân dân từng ngồi ở Hội đồng xét duyệt Nhà nước cho biết, theo quy trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của một nghệ sĩ sẽ đi qua cấp đầu tiên là Hội đồng cấp cơ sở; tiếp theo là Hội đồng cấp tỉnh/thành phố/Bộ; tiếp theo nữa là Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đến Hội đồng cấp Nhà nước và cuối cùng là trình lên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.

"Qua mỗi Hội đồng xét tặng danh hiệu, hồ sơ của các nghệ sĩ sẽ được các thành viên Hội đồng xem xét, cân nhắc, đánh giá và cuối cùng là bỏ phiếu kín. Theo quy định là hồ sơ nào đạt trên 80% số phiếu thì sẽ được thông qua để trình lên cấp cao hơn.

Nếu hồ sơ của nghệ sĩ nào bị thiếu tiêu chí hoặc có đơn thư thì Hội đồng sẽ ngồi lại xem xét tất cả các yếu tố. Với những trường hợp có đơn thư thì phải qua một quá trình thẩm tra và làm rõ đơn thư, khi có kết luận phải xem xét kết luận đã đủ độ tin cậy và khách quan chưa", người này nói.

Cũng giống với quan điểm trên, NSND Quốc Trị cũng từng chia sẻ với báo chí về công tác xét duyệt hồ sơ. Theo đó, ông khẳng định, các thành viên trong Hội đồng làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và độc lập. Hội đồng xét duyệt theo số phiếu, ai đủ điều kiện thì được duyệt hồ sơ gửi lên cấp cao hơn.

Quy định tại Điều 8 của Nghị định 40/2021/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ngoài các tiêu chí: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; Có phẩm
chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên… thì còn phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân) và có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân).
Ngoài ra, cá nhân nghệ sĩ đó phải có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc. Nếu thiếu giải thưởng theo quy định mà được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt thì hồ sơ vẫn được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phải cứ nghệ sĩ nổi tiếng thì đương nhiên thành NSND, NSƯT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO