Sức khỏe

Không phải đơn thuốc nào cũng 90 ngày

Dương Toàn (thực hiện) 09/07/2025 10:00

Phóng viên Báo Đại đoàn kết đã có cuộc trao đổi với BSCKII Trần Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Da liễu và bỏng (Bệnh viện Bạch Mai). Chuyên gia này khẳng định, chính sách mới giúp người bệnh thuận lợi hơn, nhưng cũng đòi hỏi bác sĩ phải đánh giá kỹ lưỡng và chịu trách nhiệm chặt chẽ hơn với mỗi đơn thuốc được kê ra.

PV: Thưa bác sĩ, Thông tư 26 cho phép kê đơn ngoại trú tối đa 90 ngày với nhiều bệnh mạn tính. Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc triển khai chính sách này được thực hiện như thế nào?

BSCKII Trần Thái Sơn: Ngay từ khi Thông tư còn trong giai đoạn lấy ý kiến, bệnh viện đã chủ động phổ biến tới đội ngũ bác sĩ các nội dung dự kiến, cập nhật liên tục để mọi người sẵn sàng tiếp nhận. Cho nên khi Thông tư chính thức ban hành vào tháng 6, về cơ bản, chúng tôi không gặp lúng túng hay bị động. Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, đó là điều rất đáng mừng.

BSCK 2 Trần Thái Sơn
BSCKII Trần Thái Sơn.

Ông đánh giá thế nào về một trong những điểm nổi bật của Thông tư - quy định cho phép kê đơn thuốc dài ngày hơn?

Đây là điểm thay đổi rất tích cực. Bác sĩ được phép kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với các bệnh mạn tính nằm trong danh mục 252 bệnh. Với người bệnh, điều này giúp họ tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức - đặc biệt là những bệnh nhân ở xa hoặc có sức khỏe yếu.

Tôi nghĩ, người hưởng lợi trực tiếp nhất chính là người bệnh. Khi chính sách tạo thuận lợi cho người bệnh thì đội ngũ y bác sĩ đón nhận rất tích cực.

Tuy nhiên, kê đơn dài ngày hẳn cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định?

Đúng vậy. Quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Nếu kê quá dài mà bệnh chuyển biến, bệnh nhân không quay lại kịp thì có thể gây nguy cơ hoặc lãng phí thuốc. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là: Kê đơn cần cá thể hóa mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn.

Bên cạnh đó, khi áp dụng chính sách cho phép kê đơn thuốc dài ngày hơn, việc kiểm soát chất lượng kê đơn chắc hẳn sẽ trở nên càng quan trong hơn, thưa ông?

Việc này chúng tôi đã thực hiện từ nhiều năm nay. Trước tiên là cập nhật đầy đủ cho bác sĩ các quy định của Bộ Y tế - từ danh mục thuốc, chỉ định, kỹ thuật, xét nghiệm đến cận lâm sàng. Ngoài ra, hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện có chức năng cảnh báo - ví dụ như cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn… giúp bác sĩ chủ động kiểm soát, giảm sai sót trong kê đơn.

Một điểm nữa là chúng tôi thực hiện bình đơn thuốc hàng tuần. Tức là sau khi bác sĩ kê đơn, bộ phận chuyên môn sẽ rà lại, đánh giá tính hợp lý, phát hiện các bất cập (nếu có) như kê trùng thuốc, kê chưa đúng chỉ định, kê thêm thuốc bổ không thực sự cần thiết… Những trường hợp này sẽ được nhắc lại để bác sĩ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Làm tốt khâu này không chỉ giúp đảm bảo an toàn điều trị mà còn hạn chế được rủi ro không đáng có.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phải đơn thuốc nào cũng 90 ngày