Chính trị

Không phân biệt đối xử giữa khám bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế

H.Vũ 26/09/2024 07:10

Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, sau 15 năm triển khai, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ 1/1/2025 nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Dự án Luật bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân. Bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT... Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế...

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn có một số điều chỉnh như: một số nội dung đã được lược bỏ như chính sách về BHYT bổ sung; một số chính sách được mở rộng thêm như mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Về cấp thẻ BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát từng đối tượng mới được bổ sung vào dự thảo Luật để quy định cụ thể hơn việc lập danh sách để cấp thẻ BHYT. Đồng thời, đề nghị có quy định nguyên tắc liên quan đến thẻ BHYT điện tử và việc cấp thẻ BHYT điện tử để phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua tiếp xúc cử tri, thấy cử tri phản ánh về vấn đề chuyển BHYT và thanh toán BHYT. Do đó cần rà soát cụ thể xem còn vướng gì để khắc phục. Người có thẻ BHYT được đối xử công bằng, được cấp các loại thuốc trong danh mục thuốc BHYT. Nhưng nếu không cấp được, họ phải đi mua thuốc ở ngoài mà thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT thì bảo hiểm phải chi trả tiền.

Ông Định cũng đề nghị, thẻ BHYT phải là thẻ điện tử để theo dõi, tránh việc lạm dụng, lợi dụng. Tránh việc có người tuần nào cũng đi khám BHYT, lấy thuốc về xong mang bán. Nếu tất cả đều theo dõi trực tuyến thì không thể lạm dụng, lợi dụng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, thách thức lớn hiện nay là bảo đảm tốt hơn quyền lợi người tham gia BHYT, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đạt 93% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiền của người sử dụng dịch vụ y tế vẫn đang ở mức khá cao, gần 45% trong khi mục tiêu hướng tới là dưới 30%.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khám bệnh giữa dịch vụ và BHYT phải có sự công bằng, không phân biệt đối xử. Làm sao để người dân thấy lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, điều trị dịch vụ cũng như là điều trị bằng thẻ BHYT. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia BHYT là phù hợp để hướng tới BHYT toàn dân. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, không làm mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia BHYT so với hiện tại. Đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở khu vực khó khăn.

Về chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là quy định nhân văn nhưng cần xem xét, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, công bằng và cân đối quỹ BHYT, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. “Nếu mua BHYT thì tôi có thể đi khám trong toàn quốc. Làm sao đến tỉnh nào, huyện nào, có thẻ BHYT là có thể được khám, được thanh toán. Lộ trình tiến tới làm sao cho đơn giản” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo. Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với việc cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương, tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phân biệt đối xử giữa khám bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế