Nhằm nhận diện những tác động của đại dịch, giải pháp ứng phó cũng như những kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đề xuất, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát hơn 500 tập đoàn, DN đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước. Theo đó, khoảng 97% DN cho biết, bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng.
Những khó khăn vướng mắc, theo cộng đồng DN chủ yếu là chuỗi cung ứng của nhiều DN bị gián đoạn; việc nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài; nhiều DN phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động. Cùng với đó là những khó khăn liên quan tới thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, chi phí vận chuyển, lưu kho hàng hóa và các chi phí khác tăng cao; giảm sản lượng, giảm đơn hàng xuất khẩu, giảm doanh thu, các khó khăn về dòng tiền/vốn, thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất…
Song, thực tế cho thấy, ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, nhiều DN FDI đã cho thấy quyết tâm tiếp tục hoạt động và gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Có thể kể tới dự án lớn như LG Display Hải Phòng (của Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn 1,4 tỷ USD ngày 30/8; dự án nhà máy sản xuất giấy tại Vĩnh Phúc (của Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD (ngày 23/7); dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đai Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (ngày 13/5)…
Chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, ở thời điểm dịch bùng phát tại Bắc Ninh và Bắc Giang, ông cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh được kiềm chế, ông hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn rộng hơn, mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trong báo cáo được công bố giữa tháng 9, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7.
Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mức tăng này cho thấy, bất chấp dịch bệnh, tin vào các giải pháp của Chính phủ Việt Nam, nhiều DN FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với tâm huyết ấy, mới đây, 4 hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam gồm: Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng về chiến lược khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình mới. Trong đó thẳng thắn cảnh báo, nếu chậm mở cửa, cơ hội đầu tư có thể không quay lại Việt Nam. Các DN cho rằng cần một lộ trình cho việc mở cửa trở lại.
Diễn biến mới nhất trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam (trong 2 tuần gần đây, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm, số bệnh nhân khỏi bệnh tăng…) cho thấy chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có các cuộc làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Tại các cuộc làm việc này, trên tinh thần cởi mở, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã lắng nghe, nắm bắt, trực tiếp giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN, trong đó có các DN FDI.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. Đồng thời khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt sẽ không phụ lòng tin của các DN FDI.