Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Nhiều đại biểu (ĐB) đã tán thành với việc không đưa môn bơi thành môn học bắt buộc trong các nhà trường.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm, theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học. Việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi. Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234 năm 2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc sử dụng cơ sở vật chất của các công trình thể dục, thể thao trong các cơ sở thể thao công lập phục vụ việc học bơi nói riêng và giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình thể dục, thể thao, khoản 5 Điều 21 dự thảo luật đã giao trách nhiệm cho bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
Thêm vào đó, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, dự thảo luật còn quy định nhà trường có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các môn thể thao dân tộc và thành lập câu lạc bộ thể thao của học sinh, sinh viên.
Tán thành với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định môn bơi là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa nếu làm được sẽ là lý tưởng. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay không nên đưa vào thành quy định bắt buộc. Bởi theo bà Hoa đây là nội dung chính sách mới, trong hồ sơ của luật không có đánh giá tác động, việc quy định là môn học chính khóa là khó khả thi trong khi hiện nay mới có 0,4-06% các trường phổ thông có bể bơi.
“Do vậy không nên coi bơi là môn học bắt buộc là hợp lý khiến nhà trường phát sinh thêm kinh phí. Để khắc phục tình trạng đuối nước cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Một chính sách dù hay nhưng chưa khả thi thì không nên đặt ra trong dự thảo luật”- bà Hoa bày tỏ.
Cùng quan điểm, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng, nếu đưa được môn bơi là bắt buộc là tốt để rèn thể chất, nâng tầm vóc sức khỏe. Tuy nhiên thực tế hiện nay hầu hết các trường lại chưa có bể bơi, nếu quy định sẽ phát sinh thêm kinh phí, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước cho nên quy định như dự thảo luật là phù hợp.