Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức học phí đại học (ĐH) năm học 2023-2024 với các trường công lập chưa tự chủ sẽ không tăng, dao động 12-24,5 triệu đồng/năm, tùy từng ngành. Nhiều trường đón nhận thông tin này với nỗi lo khó chồng khó.
3 năm không tăng học phí
Trong hai năm học vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, các trường ĐH đều không tăng học phí theo quy định của Chính phủ. Tới năm học này, trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH đã công bố đều cho thấy học phí sẽ tăng. Có trường dự kiến tăng từ 2-13 triệu đồng/năm hoặc tăng gấp đôi, tùy theo ngành.
Đơn cử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu học phí hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới; riêng với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ (mức cũ là 1,3 triệu đồng/tín chỉ)…
Nhiều trường ĐH lớn ở TPHCM như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM..., học phí đều dự kiến tăng ít nhất từ 10%-30% so với năm học trước.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐCP, trong đó nhấn mạnh yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 quy định mức học phí ĐH (cơ sở chưa tự chủ) năm học 2023-2024 với Khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) là 12,5 triệu đồng/năm; Khối ngành II (Nghệ thuật): 12 triệu đồng/năm; Khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, pháp luật): 12,5 triệu đồng/năm. Cao nhất là Khối ngành VI.2 (Y dược): 24,5 triệu đồng/năm.
Ngay sau đó, một số trường ĐH cũng phát đi thông báo không tăng học phí năm học này. Cụ thể, Trường ĐH Thương mại cho biết sẽ công bố điều chỉnh học phí ngay khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GDĐT; đồng thời cam kết thực hiện đúng những chủ trương, quy định của chính phủ, Bộ GDĐT dù trước đó, trong đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023, nhà trường đã thông báo mức học phí dự kiến tăng so với năm học trước đó. Dẫu vậy, đại diện nhà trường cũng thừa nhận trong bối cảnh thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên từ 1/7 trong khi học phí không tăng khiến ngân sách của trường ngày càng eo hẹp.
Gỡ khó cho giáo dục đại học
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, quyết định không tăng học phí là người học được hưởng lợi, các gia đình sẽ bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, từ đề án tuyển sinh các trường đã thông tin về học phí tăng nên vừa qua, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH của nhiều thí sinh cũng căn cứ vào yếu tố này để chọn trường, nay quyết định không tăng khi việc đăng ký đã hoàn tất hơi thiệt thòi cho thí sinh.
Ông Dong cũng chia sẻ khó khăn với các trường ĐH khi hiện nay tất cả chi phí đều tăng mà học phí không tăng rõ ràng là một thách thức với các trường, sẽ phần nào ảnh hưởng tới việc cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo nếu không cân đối tốt. “Từ bài học năm ngoái, các trường đã thu học phí rồi lại phải hoàn trả lại cho người học khi có Nghị quyết 165 của Chính phủ. Năm nay, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 theo hướng không tăng học phí vào thời điểm này khiến các trường chủ động hơn trong chiến lược phát triển. Để có thêm nguồn lực, các trường cần phải cần xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình. Đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí” - ông Dong nêu quan điểm.
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, nguồn thu của các trường ĐH hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí. Các nguồn thu từ dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, trên thực tế, vẫn có những trường ĐH dù nguồn lực đầu tư không nhiều nhưng sử dụng rất hiệu quả; nhận hỗ trợ ít từ ngân sách, học phí cũng không tăng nhiều nhưng chất lượng đào tạo lại tăng mạnh. Vì vậy, dù năm nay chưa tăng học phí nhưng ngay cả với những năm sau, các trường cũng cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó giảm chi phí, giảm áp lực lên sinh viên, học phí tăng hợp lý đi kèm với các chính sách hỗ trợ để mọi người đủ năng lực học đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH nếu mong muốn.
Nhìn nhận những khó khăn mà các trường ĐH đang phải đối mặt với quyết định không tăng học phí năm học này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra, đối với giáo dục ĐH, khoản thu từ học phí chiếm khoảng 50% - 90%. Trong điều kiện giá cả tăng, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục ĐH không tăng trong 3 năm nay, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên. “Để hỗ trợ các trường, Bộ GDĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục ĐH. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp” - Thứ trưởng Sơn cho hay.