Ngày 5/8, nhiều xe ô tô đã bị “chôn chân” trong bùn đất phải chờ được “giải cứu” khi “mắc cạn” ở khu vực thôn Phù Ninh (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Chuyện xói lở, sạt lở đất tưởng như chỉ có ở nơi nào đó xa xôi nhưng nay đã lại xuất hiện ở ngay ngoại thành Thủ đô khiến mọi người sửng sốt.
Nỗi lo càng lớn hơn khi chưa đến 10 ngày qua tại nhiều địa phương đã liên tục xảy ra những vụ sạt lở đất mà hậu quả rất nặng nề.
Chiều 5/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông báo về tình hình sạt lở đất vừa qua tại Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điển hình là vụ sạt lở đất tại TP Đà Lạt, tại đèo Bảo Lộc rồi vấn đề an toàn hồ đập, sụt lún tại một số điểm tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
Về nguyên nhân, ông Thành cho rằng những sườn đồi, sườn núi tự nhiên thì do phong hóa đất đá xảy ra từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên. Tuy nhiên ông Thành cũng cho rằng việc làm nhà, chuyển đổi cây trồng, làm thủy điện… đã khiến cấu trúc mặt đất thay đổi, dễ có nguy cơ sạt lở xảy ra khi mưa lớn.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 3 hiện tượng có thể gây nên sạt lở đất để người dân có thể lưu ý và phòng tránh. Đó là: Xuất hiện những tiếng nổ lớn trong lòng đất; Những vết nứt lớn xuất hiện; cây cối trên sườn đồi, sườn dốc nghiêng theo một hướng.
“Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, khi triển khai luật, chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để cùng nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi các vết nứt để cảnh báo sớm tránh thiệt hại người, tài sản” - ông Thành nói.
Nói là vậy nhưng cũng thật khó cho người dân khi gần như không thể nhận biết được tai họa trước khi ập xuống.
Thiên tai khó lường nhưng những vụ sạt lở đất cũng có trách nhiệm của con người, đó chính là “nhân tai”. Cùng với việc người dân làm nhà ở sườn đồi, sườn núi nơi đất dá dễ sạt trượt thì việc để rừng bị phá, thực hiện các dự án không tính toán đầy đủ đến địa chất cũng là nguyên nhân lớn, trực tiếp.
Nhiều chuyên gia về phòng, chống thiên tai cho rằng do mưa lớn, nước làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm. Tuy nhiên hiện nay đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Khi mưa lớn kéo dài sẽ làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm gây ra sạt lở.
Theo PGS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các sườn núi, sườn đồi tự nhiên thường ít xảy ra sạt trượt vì tất cả các quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi trải qua mưa, nắng đã xảy ra ít một, từ từ nên sườn dốc trở nên thoải, đạt đến một góc độ tối ưu, cân bằng, ổn định, ít khi trượt, sạt. Nhưng nếu có hoạt động của con người tác động vào, ví dụ làm đường, mở rộng đường, san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị, chặt cây đốt rừng để trồng cây ăn quả, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, làm ứ đọng nước trên sườn dốc… thì khi đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài dễ xảy ra sạt, trượt.
Các sườn dốc “nhân tạo”, ví dụ các đoạn đường đất đắp, đất không có kết cấu tự nhiên, lại càng dễ xảy ra sạt trượt, nứt, sụt” - ông Văn cảnh báo.
Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”, việc phòng chống sạt lở phải được tiến hành thường xuyên, trước, trong và cả sau mùa mưa lũ.
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả. Vì thế càng không thể “chậm chân”, “lỗi nhịp” trong việc phòng ngừa sạt lở đất nói riêng và phòng chống thiên tai nói chung. Đáng tiếc là với những vụ sạt lở diễn ra mới đây tại nhiều địa phương đây thì không thể nói rằng chúng ta đã nhanh chân, không lỗi nhịp.