Không thể chần chừ

Miên Thảo 12/03/2022 08:26

Tại văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Tiêm vaccine cho trẻ em ở An Giang. Ảnh: Hạnh Châu

Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Tại thời điểm này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy dịch Covid-19 tấn công mạnh vào đối tượng trẻ em. Chính vì vậy, nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em nói riêng, sức khỏe cộng đồng nói chung và sớm mở cửa trường học trở lại một cách an toàn, bền vững thì việc tiêm vaccine cho trẻ em, trong đó có độ tuổi từ 5 đến dưới 12 là rất cần thiết.

Cũng cần nhắc lại, trong năm 2021, để có vaccine ngừa Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm từ nhiều nguồn trên thế giới, chúng ta có cả “chiến lược vaccine”, lập Quỹ vaccine… với mục đích cuối cùng là sớm bao phủ được vaccine trong cộng đồng để hạn chế lây lan, bảo vệ sức khỏe nhân dân, sớm chấm dứt dịch với tổn thất thấp nhất. Song song với việc tìm kiếm vaccine, việc thần tốc tiêm chủng tại tất cả các địa phương đã được tiến hành, đưa Việt Nam lên nhóm thứ 6 quốc gia tiêm vaccine nhiều nhất thế giới.

Tới nay, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cần áp dụng với đối tượng trẻ ít tuổi, từ 5 đến dưới 12 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng rộng rãi hơn.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối tháng 2/2022, trẻ em dưới 18 tuổi mắc Covid-19 chiếm 19,3%. Riêng lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi lại chiếm tỷ lệ lên đến 8%.

Theo Phó Giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trên thế giới hiện có hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021, một số quốc gia cho đến tháng 2/2022 cũng đã chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam cần sớm triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Rất đáng chú ý là việc tiêm chủng vaccine cho trẻ nhỏ được đại đa số các gia đình Việt Nam cho là cần thiết. Cách đây không lâu, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả: 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt; coi việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vaccine thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)”. Đại đa số ý kiến (81%) cho rằng “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19” nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine.

Như vậy có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã có chỉ đạo cụ thể; người dân đồng thuận với việc tiêm chủng sớm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp với số ca mắc mới tăng cao do biến thể Omicron… thì ngành Y tế phải rất nhanh chóng tổ chức tiêm phủ vaccine cho đối tượng này. Đáng tiếc là tới nay vẫn chưa tiến hành được. Chính vì thế Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ. Đó là việc làm rất cần thiết vì trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mỗi ngày chậm triển khai vaccine là một ngày tăng nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chần chừ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO