Không thể lợi dụng làm từ thiện để trục lợi!

Kỳ Phong 12/08/2021 13:53

Trong đại dịch Covid-19, các nhóm tự phát tham gia các hoạt động từ thiện là một hành động đẹp, ý nghĩa, thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng. Tuy nhiên, việc này đã bộc lộ nhiều bất cập, có dấu hiệu lợi dụng từ thiện để trục lợi.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết về vụ việc "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ mang song thai", bước đầu Sở nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật.

Cơ quan chức năng chưa xác định được danh tính người sử dụng tài khoản Facebook Trần Khoa. Tuy nhiên, qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, tài khoản này có tham gia một nhóm Facebook, đăng tải nhiều câu chuyện không có thực và có tương tác với nhau. Nhóm tự lập ra, có những tài khoản giả mạo tham gia nhưng cố tình tương tác, trao đổi với nhau trong nhóm để thành một tài khoản có thật. Các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP HCM.

Mới đây Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố bắt giam nhóm đối tượng lập ra nhiều trang, nhóm trên mạng xã hội kêu gọi lòng hảo tâm của nhiều người sau đó ôm tiền bỏ trốn.

Cơ quan công an xác định Trần Văn Lâm lập ra Fanpage hỗ trợ trẻ em đã lừa đảo. Từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021, tổng số tiền của các nhà hảo tâm gửi vào tài khoản của Lâm là hơn 6,6 tỷ đồng, bước đầu công an xác định có hàng nghìn người gửi tiền cho Trần Văn Lâm từ 50 nghìn đồng đến 5 triệu đồng.

Thủ đoạn của đối tượng Lâm thông qua các bài viết từ các hội, nhóm từ thiện trên mạng xã hội và trên các báo điện tử, sau đó thêm số điện thoại của Lâm tại một ngân hàng lớn để nhận tài trợ.

Sau khi nhận tiền, Trần Văn Lâm không chuyển tới các địa chỉ cần hỗ trợ mà chơi game, chi tiêu cá nhân. Ngoài ra cũng có rất nhiều người, nhiều nhóm từ thiện quyên góp sau đó “quên” hoặc chậm trao, nhiều vụ án trục lợi từ tiền quyên góp từ thiện đã bị truy tố ra tòa.

Có dấu hiệu một nhóm lập Facebook giả để trục lợi quyên góp từ thiện.

Công tác từ thiện, quyên góp, cứu trợ thời gian qua cho thấy việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là điểm sáng khi có những cá nhân, nhóm, hội và nghệ sĩ quyên góp được cả chục tỷ, trăm tỷ đồng, nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ là cần khoa học, chuyên nghiệp, tránh mạnh ai người đó làm thiếu tính tổ chức, chưa có cơ chế giám sát.

Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ có hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mới có quyền kêu gọi vận động và tiếp nhận tài trợ.

Quỹ từ thiện được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 4 Thông tư 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 64 ghi rõ, sau khi vận động, số tiền phải được chuyển cho Ban cứu trợ cùng cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng đầu.

Được biết trong thời qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp phường, xã đến Trung ương làm rất tốt công tác từ thiện. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, cán bộ mặt trận đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để trao tận tay tiền, quà và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Như vậy việc giao công tác từ thiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về công tác từ thiện, quyên góp, nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế, thiết nghĩ cần điều chỉnh sớm để công tác từ thiện, quyên góp được đi vào khuôn khổ pháp lý, tránh tự phát bất cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể lợi dụng làm từ thiện để trục lợi!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO