Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện 1815/CĐ-TTg, ngày 26/12/2021 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19. Theo đó, các địa phương phải đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm.
Đây là động thái quyết liệt của Chính phủ khi mà đại dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp, nhất là TP Hà Nội. Chính phủ khẳng định: Hiện, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, gây nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Các trường hợp có mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine. Vì thế, lãnh đạo các địa phương cần rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao, gia đình có người thuộc nhóm này để tiêm không bỏ sót.
Để hoàn thành chiến dịch tiêm chủng, các địa phương phải lập các tổ tiêm vaccine lưu động, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, nhất là với những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Không chỉ tiêm vaccine, tổ lưu động còn có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ.
Có thể nói đây là yêu cầu khá cao của Chính phủ đối với lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Song, để an toàn cho cả cộng đồng xã hội, đảm bảo đất nước phát triển kinh tế bền vững không bị thụt lùi thì cao mấy cũng phải thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế những ngày qua cho thấy một số địa phương đã bắt đầu có dấu hiệu uể oải, trễ nải với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Thậm chí, ở một số địa phương còn có hiện tượng phường (xã, thị trấn) kệ F0 “tự xử”.
Không ít địa bàn cơ sở khi người dân báo là F1, thậm chí là F0 cũng phải qua vài ngày mới bắt đầu có động thái cần thiết để ngăn dịch với lý do “quá tải”. Chỉ mới là các F0, F1 mà lực lượng y tế cơ sở đã không thể quán xuyến nổi, thử hỏi với yêu cầu của Thủ tướng là tới tận nhà những người thuộc nhóm nguy cơ cao để tiêm, liệu họ có thực hiện?
Dĩ nhiên là dù không muốn, dù có “quá tải” thì mệnh lệnh của lãnh đạo Chính phủ vẫn phải chấp hành nghiêm túc, nếu còn muốn “tại vị”. Không chỉ là vấn đề “chiếc ghế” của bản thân, lãnh đạo các địa phương phải hiểu rằng, việc làm tốt, rốt ráo công tác phòng, chống dịch từ cơ sở sẽ đảm bảo việc khống chế, kiểm soát tốt cục diện “trận đấu”.
Khi mà các F0 được kiểm soát, không còn tự do đi lại ngoài cộng đồng, nguy cơ lây lan cho người khác sẽ giảm thiểu, như vậy thì số ca mắc mới làm sao có thể tăng cao liên tục như hiện nay? Khi mà những người thuộc nhóm nguy cơ cao được quan tâm tới tận nhà tiêm vaccine, đương nhiên khả năng nhiễm bệnh, trở nặng, tử vong sẽ giảm xuống. Đó chính là cách kiểm soát dịch bệnh tốt nhất.
Vẫn biết là với nguồn nhân lực có hạn, trong khi số ca mắc Covid-19 mới ngày càng tăng sẽ dẫn đến quá tải, không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Song, điều này lẽ ra lãnh đạo các địa phương đã phải lường trước được để có cách ứng phó cách đây 2 năm (khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam), hay chí ít cũng là từ cuối tháng 4/2021 (thời điểm bùng phát làn sóng dịch lần thứ 4). Biết trước và có thời gian chuẩn bị, vì sao vẫn quá tải?
Giờ đây, với quyết tâm của Chính phủ, e rằng lãnh đạo các địa phương sẽ chẳng còn “lý do, lý trấu” được nữa. Họ chỉ có hai phương án để lựa chọn: Xắn tay áo lao vào “cuộc chiến” với “giặc dịch” hoặc tránh sang một bên nhường vị trí cho người khác làm, vậy thôi!