Trên mạng xã hội lan truyền video clip quay lại cảnh một nhóm cô giáo quỳ gối, khóc lóc van xin cho cơ sở mầm non Tuổi Thơ (thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) được tiếp tục hoạt động. Hình ảnh trên không khỏi khiến nhiều người ái ngại, nhưng việc đóng cửa trường mầm non Tuổi Thơ là cần thiết, bởi cơ sở này chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định. Dù có cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của các cô giáo mầm non tại đây thì cũng không thể nhân nhượng làm trái quy định.
Nhiều nơi, các nhóm trẻ hinh thành tự phát, thiếu điều kiện chăm sóc các cháu theo quy định. Ảnh minh họa.
Theo trình bày của các cô giáo mầm non, nếu cơ sở Tuổi Thơ bị đóng cửa thì các cô sẽ bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm, biết bấu víu vào đâu để sống. Xét về mặt tình cảm, tâm tư của các cô giáo mầm non tại Trường Tuổi Thơ là có thể cảm thông, chia sẻ.
Bất cứ ai đang có công việc làm và thu nhập ổn định thì cũng sẽ rất buồn khi bỗng dưng bị thất nghiệp. Song, trên thực tế dù cho Trường Tuổi Thơ có đóng cửa, cũng còn rất nhiều công việc ở các trường mầm non khác, hay công việc khác mà họ có thể thử sức.
Còn xét về mặt lý thì việc chủ cơ sở Tuổi Thơ tự ý đưa trường mầm non vào hoạt động khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là đã vi phạm pháp luật.
Với lý do đó thì việc chính quyền thị trấn Thanh Chương ra quyết định tạm đóng cửa Trường Mầm non Tuổi Thơ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, không những đã làm đúng các quy định của pháp luật, mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ được gửi tại đây. Khi chưa có cơ quan chức năng nào thẩm định, cấp phép, ai dám chắc các cô giáo mầm non tại đây đạt chuẩn, lấy gì đảm bảo những đứa trẻ được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo, an toàn?
Mọi người hẳn còn nhớ trong vòng vài năm trở lại đây, khá nhiều trường mầm non tại không ít địa phương đã bị báo chí và các cơ quan chức năng phanh phui về việc bạo hành, ngược đãi trẻ nhỏ. Ở hầu hết các cơ sở mầm non tai tiếng đó đều chưa được cấp phép hoạt động.
Các cô giáo mầm non được tuyển dụng chưa hề được đào tạo một ngày nào về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Khi chưa được đào tạo bài bản, không có cả kiến thức lẫn kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ là một trong những nguyên nhân khiến một số cô giáo “phát điên” khi các cháu nhỏ quấy khóc, không chịu ăn, dẫn đến việc bóp mồm đổ thức ăn, đấm, đạp, đập dép vào mặt các cháu...
Trong những vụ việc ngược đãi, hành hạ trẻ nhỏ đó nếu không được người dân, báo chí kịp thời phát hiện, tố giác thì liệu sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của các cháu nhỏ có được đảm bảo, việc hình thành nhân cách của trẻ có bị lệch lạc? Và quan trọng hơn cả là khi sự việc xảy ra ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Đương nhiên là những người trực tiếp mở cơ sở mầm non trái phép, những người có hành vi bạo ngược với trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. Song, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã để một cơ sở mầm non không phép hoạt động gây hại cho nhiều đứa trẻ.
Vậy nên, xin dư luận trên mạng xã hội đừng vội phán xét, đừng vì sự thương xót, cảm xúc nhất thời mà tạo áp lực với các cơ quan chức năng, yêu cầu họ làm trái các quy định của pháp luật. Thử hình dung, nếu vì bị sức ép dư luận mà chính quyền thị trấn Thanh Chương buộc phải cho cơ sở mầm non Tuổi Thơ được tồn tại, sau đó xảy ra sự việc đáng tiếc, mà người bị xâm hại lại chính là con em các vị thì mọi người sẽ nghĩ sao? Tin rằng sẽ không ai đồng tình với việc cho phép một cơ sở mầm non “chui” được hoạt động khi tồn tại rủi ro cho chính những đứa trẻ là người thân của mình.
Còn nữa, hành động quỳ gối của một nhóm cô giáo tại Trường Mầm non Tuổi Thơ nếu thoáng qua thì sẽ phát sinh lòng thương cảm, song nếu nhìn sâu vào vấn đề thì lại thấy dường như các cô đang tạo áp lực đối với cơ quan có thẩm quyền. Trong truyền thống của dân tộc Việt Nam xưa nay, bố mẹ thường dạy con cái phải luôn hiên ngang ngẩng cao đầu chứ không dễ dàng quỳ gối khuất phục trước bất cứ khó khăn thử thách hay cường lực nào.
Vẫn biết công ăn việc làm đối với mỗi người trong điều kiện xã hội hiện nay là cả một vấn đề nan giải, khó khăn. Song, điều đó cũng không thể biện minh cho việc “quỳ gối” của các cô giáo tại Trường Mầm non Tuổi Thơ.