Chiều 26/6, UBND tỉnh Bình Định chính thức công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép vừa đóng mới đã hỏng phải nằm bờ. Thời gian qua, việc những con tàu vỏ thép công suất lớn được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ mới đưa vào hoạt động đã hư hỏng khiến người người rất bất bình. Chính vì thế, tại cuộc họp nói trên, ý kiến của ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị lãnh đạo các huyện liên quan hướng dẫn ngư dân khởi kiện ngay, đồng thời đề nghị truy tố doanh nghiệp là
Những con tàu vỏ thép nằm bờ ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Đối tượng gây ra hậu quả gồm hai doanh nghiệp đóng tàu là Nam Triệu và Đại Nguyên Dương. Tuy nhiên, nếu với Nam Triệu, lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ thiện chí, nghiêm chỉnh tiếp thu và đề xuất hướng giải quyết; thì ngược lại, doanh nghiệp Đại Nguyên Dương tiếp tục vắng mặt (lần hai, không có lý do và cũng không tham gia thẩm định) tại một cuộc họp quan trọng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của họ. Điều đó không thể nói khác hơn chính là thái độ lẩn tránh trách nhiệm, nói rộng hơn là việc coi thường luật pháp, bỏ mặc số phận ngư dân với những con tàu tiền tỷ nằm bờ- những con tàu hư hỏng do chính họ gây ra.
Nghị định 67 của Chính phủ ngày 7/7/2014 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 quy định như sau: “Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm”.
Trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, việc Chính phủ dành nhiều ưu đãi về vốn cho ngư dân là chủ trương lớn, được xã hội đồng thuận. Khi mà nguồn lợi thủy sản gần bờ dần vơi cạn đồng thời phải khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững thì việc đóng tàu công suất lớn, với vật liệu chắc chắn để vươn khơi là tất yếu. Nhưng, đại đa số ngư dân không đủ tiền để đóng những con tàu đó. Vì vậy, việc được vay ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài cùng với những chính sách bảo hiểm, hỗ trợ rủi ro... thực sự đem lại niềm vui vô bờ và nguồn sống lâu dài cho rất nhiều ngư dân.
Vì thế, khi những chiếc tàu vỏ sắt công suất lớn bị tráo đổi nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thì không gì khác hơn là doanh nghiệp đóng tàu cố tình trục lợi, đã tác hại nghiêm trọng đến một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là thái độ đẩy rủi ro cho người khác mà giành phần lợi về mình; phó mặc rủi ro đến với ngư dân khi họ phải đối mặt với sóng to gió lớn, những con sóng dữ giữa đại dương. Có tàu lớn, vững chắc để ra xa hơn ai ngờ lại ẩn chứa nhiều bất trắc, rủi ro. Cùng nữa, dù được vay ưu đãi nhưng dẫu sao thì cũng vẫn phải trả nợ, món nợ hàng chục tỉ đồng với ngư dân là cực lớn, khi tàu hư hỏng, nằm bờ không có tiền bạc sinh sống thì làm sao dành được tiền trả nợ. Lợi thì doanh nghiệp hưởng, hậu họa chẳng lẽ lại đổ lên đầu ngư dân? Những người vay được tiền đóng tàu vỏ sắt chưa kịp mừng thì đã lo lắng chồng lên lo lắng. Điều đó là không thể chấp nhận.
Chính vì vậy, lỗi của những doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối; lỗi của cơ quan kiểm định chất lượng trước khi giao tàu cho ngư dân là rất lớn, phải được xem xét trên nhiều bình diện, chứ không chỉ là việc sửa chữa vá víu lại những con tàu hư hỏng kia.
Trở lại cuộc họp do UBND tỉnh Bình Định tổ chức chiều 26-6, những chủ tàu tham dự đều tỏ rõ thái độ bức xúc, lên án gay gắt cung cách làm ăn gian dối của doanh nghiệp đóng tàu. Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ-99004 TS (huyện Phù Mỹ) cho biết, tàu của ông do Công ty Đại Nguyên Dương đóng mới gần 16 tỷ đồng, nhưng mới đi biển đến chuyến thứ 5 đã phải nằm bờ. Dù đã nhiều lần thương lượng nhưng Công ty Đại Nguyên Dương không có thiện chí, bỏ mặc chủ tàu. Quá bức xúc, ông Lý nói: “Ngư dân tin tưởng các ngành, các cấp đã kiểm tra vật liệu đóng tàu từ đầu nên mới chi tiền cho doanh nghiệp. Với số tiền rất lớn nhưng doanh nghiệp đóng tàu như vậy là quá lừa đảo, chúng tôi phải kiện ra tòa”.
Chung bức xúc với ngư dân, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị đóng tàu trước mắt phải nhanh chóng khắc phục hậu quả để ngư dân sớm vươn khơi đánh bắt xa bờ, ngay trong tháng 7 tới. Riêng đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không hợp tác thẩm định, giải quyết vụ việc các con tàu hư hỏng do Công ty mình đóng, sẽ đề nghị Công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an truy tố; Chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân đóng tàu của Công ty này bị hư hỏng khởi kiện ngay Công ty.
Nhắc lại những chuyện đó để một lần nữa thấy rằng vụ việc không hề đơn giản, không thể làm sai rồi đền bù là xong . Đền bù thì vẫn đền bù, ra tòa thì vẫn phải ra tòa. Đồng tiền không thể làm hỏng chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; không thể đẩy ngư dân vào cảnh nợ nần cùng quẫn. Xử lý kiên quyết mới có tác dụng răn đe, để bất cứ ai cũng không còn dám manh tâm trục lợi một cách phi pháp.
Công ty Đại Nguyên Dương xin khắc phục sự cố tàu vỏ thép Ngày 27/6, Công ty Đại Nguyên Dương đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định, Sở NNNPTNT và BIDV Chi nhánh Phú Tài đề nghị khắc phục, sửa chữa các tàu vỏ thép hư hỏng mà công ty này đã đóng. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân và việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu được khách quan, Công ty Đại Nguyên Dương đề nghị các cơ quan quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các ngư dân đưa tàu đến xưởng đóng tàu của công ty tại tỉnh Nam Định để xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu và khắc phục trong phạm vi bảo hành.
V. Nhất |