Việc sơn lại bề mặt Nhà hát Lớn Hà Nội tưởng như đơn giản, hóa ra lại gây nhiều tranh cãi. Qua sự việc này, có thể thấy vấn đề tu bổ và khai thác di tích là công trình kiến trúc đang được sử dụng để khai thác phục vụ mục đích chính trị, mục đích nghệ thuật, dịch vụ thương mại, ngoại giao đôi khi bị sao nhãng trong công tác quản lý.
Ngày 24/7, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn đang được sơn màu lại ...
và tạo vẻ khác lạ sau khi sơn màu mới (Ảnh: Thanh Vũ).
Khi dư luận lên tiếng về việc sơn lại màu cho Nhà hát Lớn không phù hợp, trả lời báo chí của những người quản lý ngành và quản lý Nhà hát Lớn có phần lúng túng. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Quyền Giám đốc Ban qQuản lý Nhà hát Lớn Hà Nội nói: Đây là sơn định kỳ chứ không phải tu bổ, sửa chữa lớn.
Bà Nguyệt cũng cho biết đã hỏi ý kiến ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Tu bổ di tích. Tuy nhiên khi trả lời báo chí, ông Lê Thành Vinh lại nói: Việc điện thoại hỏi ý kiến của bà Nguyệt là sau khi đã tiến hành sơn màu cho Nhà hát Lớn chứ không phải trước đó. Ông Vinh bác bỏ việc cho rằng ông tư vấn màu đang sơn cho Nhà hát Lớn.
Khi dư luận lên tiếng về tính thẩm mỹ xấu của công trình đang được sơn lại, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã đến thị sát. Trả lời phóng viên, ông Thành cho rằng màu đang sơn là thử nghiệm. Ông cũng nói việc sơn lại màu cho Nhà hát Lớn là công việc thường niên. Cục Di sản văn hoá đã giao cho Vụ Kế hoạch đầu tư và Cục Mỹ thuật lên phương án duy tu cùng Ban quản lý Nhà hát Lớn . Sau khi có phương án cụ thể, Cục Di sản văn hoá mới có ý kiến. Màu đậm lên hay nhạt đi còn phải chờ vào cuộc họp sắp tới.
Vậy việc sơn lại màu cho Nhà hát Lớn - một việc tu bổ thường niên có cần nhận được sự thoả thuận của Bộ VHTT&DL? Có ý kiến cho rằng cần thiết, có ý kiến lại nói không cần thiết. Điểm b, Khoản 1 Điều 34 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá có quy định về việc bảo quản, tu bổ di tích phải: “Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL”.
Qua cách trả lời báo chí, có lẽ bà Nguyệt cho rằng việc sơn màu lại cho Nhà hát Lớn là sửa chữa nhỏ, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc nên không cần văn bản thoả thuận của Bộ VHTT&DL?
Màu sơn của Nhà hát Lớn có phải yếu tố gốc cấu thành di tích? Căn cứ Điểm 2 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, đã bổ sung thêm khoản 15 Điều 4 Luật Di sản văn hoá như sau: “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Như vậy, yếu tố thẩm mỹ của Nhà hát lớn là gì nếu không bao gồm màu sơn? Và việc sơn màu Nhà hát lớn mất một tháng liệu có phải là sửa chữa nhỏ?. Còn việc lập báo cáo giữa Ban Quản lý Nhà Lớn và Vụ Kế hoạch đầu tư chỉ đáp ứng quy định về vấn đề tài chính chứ không thể thay thế cho quy định tu bổ chuyên môn.
Ban quản lý Nhà hát Lớn đã tôn tạo sơn màu lại Nhà hát Lớn mà không có văn bản thoả thuận của Bộ VHTT&DL. Bởi lẽ, nếu có văn bản thoả thuận của Bộ VHTT&DL thì đã có hướng dẫn quy chuẩn về màu sơn. Chính việc cứ làm rồi tính sau này đã dẫn đến tình trạng tranh cãi về sơn màu thế nào cho Nhà hát Lớn , hơn nữa còn gây lãng phí ngân sách. Việc lúng túng trong công tác quản lý của Ban quản lý Nhà hát Lớn và cơ quan chuyên môn của Bộ VHTT&DL cần được rút kinh nghiệm. Không nên mạo hiểm đem di tích ra để “thử nghiệm”.
Di tích lịch sử văn hoá - công trình kiến trúc Nhà hát Lớn có niên đại hơn một thế kỷ cần được tu sửa, sơn màu. Đó vừa là công việc tôn tạo di tích vừa là đầu tư để khai thác công năng của công trình. Có điều khi thực hiện sơn lại màu cần phân biệt rõ đây là di tích quốc gia nên không thể chiều theo thị hiếu của người quản lý hay khách hàng, muốn tuỳ tiện sơn màu thế nào cũng được.