Không thiên vị trong chọn người tài

Việt Thắng (thực hiện) 25/09/2017 08:35

Thời gian qua, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, xử lý và đề nghị xử lý. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đề xuất giới thiệu cán bộ mà cán bộ đó mắc sai phạm thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, không thể vô can.


TS Nguyễn Viết Chức.

PV: Thưa ông thời gian qua, trong công tác cán bộ đã có những sai phạm ở nhiều địa phương, bộ, ngành. Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những vi phạm. Theo ông cần giải quyết vấn đề trên bằng những cơ chế nào?

TS Nguyễn Viết Chức: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa đề xuất tổng rà soát lại công tác cán bộ từ địa phương cho đến Trung ương. Ta không thiếu những văn bản, quy định pháp luật, quy chế, tiêu chí, gần đây nhất Bộ Chính trị cũng đã ban hành các tiêu chí về cán bộ. Đáng tiếc dù có tiêu chí, quy chế nhưng đôi khi vận dụng không chuẩn xác đã làm méo mó cái tiêu chí, quy trình. Đúng quy trình sao toàn tìm ra những người kém, những người có vấn đề như vậy? Có thể lấy ví dụ, tài năng trong học tập, nghiên cứu khác với tài năng trong quản lý. Anh có bằng cấp nhưng chưa một ngày làm quản lý mà được bổ nhiệm làm quản lý vậy sao lại gọi là tài được. Như vậy là sai khi đem cái tài này để lắp vào cái tài khác.

Như câu chuyện đá bóng giỏi nhưng chuyển sang đánh bóng bàn sao mà đánh được? Tức là tài ở lĩnh vực nào thì phải giao việc ở lĩnh vực đó, hay nôm na là giao đúng việc. Trong xã hội có rất ít người tài, đa phần chỉ là người biết việc. Do vậy phải giao đúng người, đúng việc. Tài mà giao không đúng việc cũng không thành công cho nên công tác cán bộ cũng vậy, tức là giao phải đúng người đúng việc. Nếu giao không đúng sao họ có thể hoàn thành được.

Điều quan trọng nhất là tiêu chí đã có rồi, Bộ Chính trị cũng vừa ban hành các tiêu chí đối với cán bộ. Do đó phải bám sát vào tiêu chí, ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Cơ quan nào, tập thể nào vì nể nang mà làm sai cũng phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp người đứng đầu quyết định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, còn tập thể quyết định thì cả tập thể phải chịu trách nhiệm. Tập thể mà nể nang sợ người đứng đầu thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ hết cho người đứng đầu độc đoán. Tôi cho rằng phải chịu liên đới trách nhiệm, nếu trong trường hợp người đó mà nằm trong diện đề bạt hay bổ nhiệm thì phải bị chậm một nhiệm kỳ. Như thế mới nghiêm.

Ở đây cũng phải đề cao vai trò trách nhiệm của địa phương, bộ ngành. Vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể đủ người đi làm tất cả ở các nơi. Do vậy các cấp ủy đảng của tỉnh, thành phố, quận huyện, xã phường phải vào cuộc. Bởi cơ chế lãnh đạo của ta là tập thể lãnh đạo. Tập thể mạnh như thế phải làm triệt để từ cơ sở, từ cấp xã phường trở lên một cách tự nguyện tự giác. Trong Điều lệ Đảng đã quy định tự phê bình, do đó các tổ chức Đảng phải tự phê bình nghiêm khắc để phát hiện vi phạm. Chỉ có như vậy mới phát huy được hiệu quả, bởi cái gì cũng dồn lên Trung ương thì không thể đủ sức để làm. Đại hội Đảng lần thứ XII đã lấy tiêu đề trong đó nêu rõ xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cho nên việc cương quyết, xử lý, không có vùng cấm sẽ được lòng nhân dân, tăng thêm được niềm tin của dân đối với Đảng. Tất nhiên trong quá trình làm là có đau xót vì không thể hình dung cán bộ có chức có quyền lại sai lầm như vậy. Nhưng chúng ta phải làm quyết liệt, thẳng thắn.

Ông nghĩ sao khi cán bộ được bổ nhiệm đều được giới thiệu, đề xuất, hay cất nhắc. Khi cán bộ bị sai phạm vậy người giới thiệu hay tổ chức cũng phải bị chịu trách nhiệm liên đới?

- Theo tôi phải bị chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể người làm tổ chức lại vô can. Liên đới có thể bị kỷ luật, hoặc không bị kỷ luật nhưng phải chịu trách nhiệm liên đới về việc đó. Trong hoạt động tổ chức, nếu 2-3 lần giới thiệu cán bộ sai chứng tỏ con mắt nhìn nhận của anh về cán bộ bị sai. Con mắt nhìn nhận sai thì bản thân anh cũng sai. Do đó phải có hình thức chịu trách nhiệm liên đới cho việc đó. Thời phong kiến, người đề cử và người được đề cử là “cùng chung chiến hào”. Tức là thắng lợi thì cùng được hưởng, còn sai lầm, tội lỗi cũng phải chịu bị xử lý. Chúng ta không quay lại như thời phong kiến nhưng tôi nghĩ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Như vậy thì mới được.

Lâu nay chúng ta hay nói ưu tiên cán bộ trẻ. Qua vụ Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mắc sai phạm ông nghĩ sao về việc bổ nhiệm cán bộ trẻ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt?

- “Chín” là ngôn từ mang tính định tính, không ai biết đo thế nào là chín vì không phải quả mà nhìn nhận đỏ là chín, còn xanh là non. Hay vấn đề trẻ cũng vậy. Tôi cho rằng cứ có tài có đức phải bổ nhiệm sớm, như thế mới làm nguồn cho cán bộ Trung ương hay cấp cao sau này. Thực ra tuổi như ông Nguyễn Xuân Anh cũng không phải là trẻ. Như Bill Clinton lên làm Tổng thống Mỹ lúc mới 45 tuổi. Chúng ta không nên phân biệt tuổi để bổ nhiệm vì có người 40 tuổi chưa chắc đã chín hơn người 30 tuổi, hay người 60 tuổi chưa chắc đã chín hơn người 40 tuổi. Ngoài ra phải căn cứ vào sức khỏe vì tuổi cao mà sức khỏe tốt thì vẫn hơn tuổi ít mà nhiều bệnh. Do đó tiêu chí đặt trong trong bổ nhiệm cán bộ phải là sức khỏe, đạo đức và tài năng.

Lâu nay hay nói đề bạt kiểu “con ông cháu cha”, tức là ưu tiên cho những đối tượng này thay vì phải là tài, và đức. Vậy theo ông chúng ta cần siết chặt việc “con ông cháu cha”, hay “cả họ làm quan” ở một số địa phương như thế nào?

- Không nên phân biệt con ông cháu cha mà phải đặt tiêu chí đức và tài lên hàng đầu. Không ưu tiên con ông cháu cha nhưng cũng không phải vì thế mà không bổ nhiệm họ. Bởi nhiều trường hợp con ông cháu cha có tài. Chả nhẽ vì thế mà không bổ nhiệm? Thậm chí bổ nhiệm con ông cháu cha phải phấn khởi vì “phụ tử nối gia chí nghiệp”. Nhưng quan trọng không phải vì cháu ông này, con ông kia mà ưu tiên, tôi nghĩ tiêu chuẩn còn phải ngặt nghèo hơn con của dân thường. Vì con dân thường như người nghèo vượt khó, còn anh lại mọi thứ đầy đủ, được thừa hưởng từ một nền giáo dục của gia đình thì tiêu chuẩn của anh còn phải cao hơn dân thường. Không được thiên vị, ưu tiên “con quan”, như thế mới chọn được người tài.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thiên vị trong chọn người tài