Trước việc Ban Bí thư ban hành Quyết định 99 hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ông Cuông cho rằng: Sau giám sát, các cơ quan có thẩm quyền không trả lời kiến nghị thì cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Lê Văn Cuông.
PV:Quan điểm của ông thế nào về việc trong Quyết định mới Ban Bí thư yêu cầu công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội?
Ông Lê Văn Cuông: Thứ nhất, thời gian qua việc kê khai tài sản vẫn hình thức vì kê khai nhưng không công khai. Chỉ đưa vào trong hồ sơ nên không biết kê khai đúng sai thế nào. Thứ hai, không có giám sát kiểm tra xem kê khai có chính xác hay không cho nên tạo ra nghi ngờ trong dư luận kê khai không trung thực, đầy đủ. Bởi vì không công khai để cho người dân giám sát và có ý kiến thì vẫn hạn chế.
Giờ theo Quyết định 99 của Ban Bí thư, việc kê khai tài sản đã thể hiện sự minh bạch. Lâu nay, ta hay nói công khai minh bạch mọi thứ nhưng các vấn đề dư luận nêu, phản ánh còn hình thức thì nên tiếp thu ý kiến nhân dân.
Đảng, Nhà nước quy định cụ thể phải công khai bản kê khai tài sản thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng chứ không chỉ công khai chỉ ở cơ quan như trước đây. Công khai ở cơ quan nhiều khi không đúng nhưng cán bộ cũng không dám nói vì sợ lãnh đạo, nên ít có tác dụng.
Bây giờ không những công khai ở cơ quan mà còn trên phương tiện thông tin đại chúng là rất rộng, nhiều đối tượng giám sát, thể hiện chủ trương minh bạch về tài sản, làm cho tính minh bạch đạt hiệu quả trong giám sát và phát hiện. Nó tạo thuận lợi cho nhân dân và các đối tượng có liên quan giám sát.
Nhưng vấn đề cần quan tâm là sau khi công khai thì xử lý những trường hợp dân phát hiện kê khai không trung thực như thế nào? Bởi khi công khai, người dân phát hiện không trung thực mà không kiểm tra, xử lý sẽ làm giảm đi tác dụng. Do vậy khi có ý kiến, đơn thư phản ánh của người dân phải kiểm tra xác minh xử lý. Phải cụ thể hóa và đồng bộ thì công khai và kê khai tài sản mới phát huy tác dụng.
Lâu nay chúng ta hay nói kê khai gắn với xác minh nhưng số bản kê khai quá lớn với hơn 1 triệu người thuộc đối tượng cần kê khai thì khó xác minh cho dù đã công khai bản kê khai đó, thưa ông?
- Ở cấp nào thì tổ chức quản lý đối tượng đó phải kiểm tra, xác minh. Xác minh theo cách đi vào những trường hợp bị phát hiện thiếu trung thực trong kê khai chứ không phải xác minh tất cả các trường hợp.
Ví dụ người dân phát hiện bản kê khai còn thiếu tài sản gì thì đi xác minh cái đó. Phải phân cấp, phân quyền để các tổ chức có trách nhiệm đi kiểm tra, xác minh. Cho nên phải gắn với thanh tra, kiểm tra của cấp chứ đồng cấp không có tác dụng.
Đơn cử như thanh tra nhân dân đi xác minh thủ trưởng thì khó. Do vậy, Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm tra tài sản của lãnh đạo tỉnh, thành phố; tỉnh kiểm tra huyện; huyện kiểm tra xã và nên tập trung vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp đó.
Ví dụ tỉnh có thể kiểm tra giám đốc sở, còn chủ tịch tỉnh, bí thư liên quan thuộc diện Trung ương quản lý khi có đơn thư Trung ương phải vào để xác minh. Như việc tại Yên Bái, Thanh Hóa liên quan đến lãnh đạo tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc để kết luận.
Vừa qua Ủy ban kiểm tra Trung ương vào cuộc vụ Đà Nẵng đã kết luận được ngay. Nói thế để thấy cần nghiên cứu bộ máy, phân cấp phân quyền trong kiểm tra những trường hợp người dân có ý kiến để xử lý.
Ông nghĩ sao khi cần phải quy trách nhiệm đối với tổ chức quản lý cán bộ khi cán bộ kê khai không trung thực. Như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công thương khẳng định kê khai của bà là đúng nhưng chỉ khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kết luận có vi phạm thì mọi chuyện mới dần lộ sáng?
- Được ủy quyền mà làm không tròn nhiệm vụ, bao che, né tránh tức là không làm tròn nhiệm vụ. Theo tôi dứt khoát phải xử lý chứ không thể trao trách nhiệm cho anh mà anh lại trả lời kiểu “được chăng hay chớ”, thiếu trách nhiệm, sau đó “hòa cả làng” không xử lý trách nhiệm.
Cho nên tất cả các vấn đề đều phải quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân một cách cụ thể. Những ai làm tốt phải khen thưởng, còn ai không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Trước đây chỉ chung chung nên mới xảy ra chuyện hình thức.
Bây giờ Ban Bí thư đã có quy định mới thì phải có sự phân vai, đề cao trách nhiệm, xử lý nghiêm túc thì mới đi vào nề nếp, quy định mới đi vào cuộc sống. Nếu không chỉ là trên giấy, không có tác dụng răn đe trường hợp sai phạm. Cho nên cần đồng bộ từ quy định cho đến triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát, và xử lý.
Thưa ông, trong Quyết định 99 có đề cập đến việc tăng cường sự giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên và nhân dân. Chúng ta cứ nói nhân dân giám sát nhưng cơ chế nào để nhân dân giám sát việc kê khai?
- Chúng ta cứ nêu chung chung thì chỉ là hô hào. Muốn làm phải có quy định cụ thể để giao nhiệm vụ và quyền hạn. Đã trao quyền phải có thiết chế quy định cụ thể mới làm được. Giám sát của nhân dân cũng chỉ phát hiện và kiến nghị chứ không có chế tài xử lý như các cơ quan thanh tra.
Đi giám sát công phu, kiến nghị lại không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý, cuối cùng kết quả giám sát lại trở thành “dã tràng”. Cho nên sau giám sát, các cơ quan có thẩm quyền không trả lời kiến nghị thì cũng phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra cũng phải đề cao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan giám sát để nâng tầm trách nhiệm, làm tốt hơn, tránh việc chỉ giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, kiến nghị chung chung thì không có kết quả. Phải đánh giá kết quả, chất lượng của cơ quan giám sát bằng việc anh có phát hiện được vấn đề trúng và đúng hay không? Khi phát hiện, kiến nghị đúng địa chỉ thì những cá nhân tổ chức có trách nhiệm phải xem xét giải quyết, làm cho chất lượng của hoạt động giám sát phát huy hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Thăng Long: Chấm dứt kê khai “cất trong ngăn kéo” Gần đây chúng ta mới nhấn mạnh đến chuyện công khai bản kê khai tài sản chứ trước đây kê khai nhưng không công khai. Quy định như Quyết định 99 là hoàn toàn chính xác bởi trước đây kê khai chỉ để “trong ngăn kéo” là chủ yếu. Như vậy là hình thức chứ không phải thực chất. Kê khai chính là để cán bộ minh bạch tài sản, tài sản do lao động làm nên hay do tham nhũng. Đơn cử như vừa qua trong hơn 1 triệu bản kê khai chỉ xử lý có 3 trường hợp kê khai không trung thực là điều khó chấp nhận. Thực chất kê khai có phải như thế không, khi mà vừa rồi liên tiếp xảy ra các vụ kê khai không trực thực đã bị Ủy ban kiểm tra Trung ương phát hiện. Hay những khối tài sản lớn của lãnh đạo tại Yên Bái, Thanh Hóa bị phản ánh, và các cơ quan chức năng vẫn đang vào cuộc. Theo tôi, sắp tới Ban Bí thư và Chính phủ phải làm quyết liệt. Khi công khai bản kê khai mà dư luận có ý kiến phải xem xét kê khai có đúng không? Tài sản như vậy thì nguồn gốc ở đâu phải làm rõ. Nếu chứng minh nguồn gốc tài sản do mình làm ra thì đó là hợp pháp, còn không chứng minh được thì đó chính là tài sản không minh bạch và phải xử lý theo hướng tài sản không minh bạch. |