Đây là khẳng định của TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) trước việc Trường THCS và THPT Việt Anh (TP HCM) đề ra trong Quy chế tuyển sinh chính thức bằng văn bản cho năm học 2016-2017 nội dung không tiếp nhận học sinh nội trú đồng tính hoặc có bệnh nguy hiểm, lây nhiễm.
Phần nội dung của quy chế tuyển sinh năm học 2016-2017 của Trường THCS và THPT Việt Anh (TP HCM).
Quy định nói trên đã gặp khá nhiều ý kiến phản đối vì thể hiện sự kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính. Vì thế, ngay sau đó, nhà trường đã thay đổi nội dung cụm từ “học sinh đồng tính” thành “học sinh ăn mặc, cư xử không phù hợp với giới tính khai báo” và cơ bản vẫn bảo lưu quan điểm kỳ thị này trong quy trình xét tuyển học sinh vào nội trú.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2015, bộ luật này đã hủy bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Luật không cấm đồng nghĩa với việc người dân được phép làm, hiểu rộng ra là tất cả giới tính đều phải được đối xử công bằng, không ai bị phân biệt.
Từ cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), TS Nguyễn Huy Quang, người từng có nhiều đề xuất công nhận chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, đã bày tỏ với báo chí quan điểm không đồng tính với quy chế “kỳ quặc” này.
Ông cho rằng: Đối với người đồng tính, song tính hay chuyển giới, họ đều là những đối tượng “không bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật”. Những người này đã hoàn thiện về giới tính (tức đã hoàn thiện bẩm sinh bộ nhiễm sắc thể, nam là nam, nữ là nữ), tuy nhiên,trong suy nghĩ và hành động có thể họ “trái dấu”, nên “đồng tính” không thể và không phải là lý do khiến nhà trường không tuyển sinh họ. “Nếu trường không tuyển sinh người đồng tính, thì với những người song tính và người chuyển giới thì sao?”, ông Quang đặt câu hỏi.
Trao đổi với báo giới, Ban giám hiệu trường này cho hay: “Chúng tôi chưa tìm thấy trong các quy định của pháp luật điều khoản nào cấm nhà trường không được từ chối học sinh như vậy”.
Ông Quang cho rằng: Giải thích như thế là không thể chấp nhận được. Pháp luật không hạn chế gì những người này thì “anh” cũng không được phép ban hành những quy định “từ chối” họ như vậy. Chúng ta phải lấy tinh thần nhân văn, rằng ai sinh ra cũng đều muốn mình được hoàn thiện giới tính và được sống thật với giới tính của mình. Nhưng, đây họ là những người không may bị như vậy. Và người ta cũng có khát vọng được sống hạnh phúc.
Trong khi xã hội luôn chống kỳ thị đối với người đồng giới thì trường không những né tránh, bỏ qua quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ mà còn làm tổn thương đến họ, góp phần khoét sâu sự kỳ thị của những người khác đối với đối tượng không may mắn này. Đây là tư duy lệch chuẩn của xã hội.
Về nội dung không tiếp nhận học sinh “có bệnh nguy hiểm, lây nhiễm”, ông Quang nhận định: “Trường làm như vậy cũng là vô lý bởi sau hết dịch, người mắc bệnh sẽ khỏi. Lúc này, học sinh không mặc bệnh, vẫn có thể được đi học bình thường, sao không nhận? Quy định như thế là trường chưa hiểu biết đầy đủ về các bệnh truyền nhiễm cũng như vấn đề chuyển giới”.
Trường THCS và THPT Việt Anh cho rằng, ở nội trú thường chia ra hai bên nam, nữ, nhiều học sinh ở chung trong 1 phòng, nằm ngủ gần nhau, ăn cùng, tắm cùng. Vì vậy, các học sinh thường rất thân thiết và có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, trường giải thích như thế là thiếu tính nhân văn. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT TP.HCM khẩn trương xem xét vấn đề này để có hướng giải quyết thích hợp.