Đó là kiến nghị của GS. NGND Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD.
Ông Hạc cho rằng:
- Tôi được biết nhiều hiệu trường các trường ĐH công đều không tán thành chủ trương này. Tôi đã viết thư gửi Thủ tướng để kiến nghị đây là một việc cực kỳ hệ trọng đối với việc phát triển đất nước. Vì cổ phần hóa nhiều người định nghĩa là đồng nghĩa với tư nhân hoá. Mà tư nhân hoá tất yếu dẫn đến thương mại hoá. Thương mại hoá, quy luật đầu tiên của nó là tìm ra đồng tiền lãi. Điều đó rất mâu thuẫn với mục tiêu đào tạo của chúng ta.
Vì vậy, tôi kiến nghị, có thể cổ phần hoá trường tư, với điều kiện quy định rõ ràng về mục tiêu, tuyển dụng nhất là việc góp vốn cổ phần. Theo tôi, không được quy định lãi suất không được cao hơn lãi suất gửi tiền Ngân hàng Nhà nước. Số dư trong ngân sách trường phải đầu tư lại để phát triển trường, không được chia ngay cổ tức cho các cổ đông. Có thể cổ phần hoá trường tư nhằm thực hiện xã hội hoá giáo dục, không thương mại hoá trường ĐH, giáo dục. Không cổ phần hoá trường công.
PV: Có ý kiến cho rằng cần phải cổ phần hóa các trường ĐH công do ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp cho các trường công hiện nay. Ý kiến của ông?
- Nếu nói không đủ tiền chi cho giáo dục, tôi cho rằng đó là cách suy nghĩ cực kỳ sai lầm về đường lối phát triển đất nước. Tôi thấy hiện nay ngân sách tiêu thừa cho các thứ khác nhiều quá. Như hiện nay chúng ta có 40.000 ôtô công. Rồi đội ngũ cán bộ viên chức tăng lên nhiều, nhiều công trình bỏ ra chi phí hàng nghìn tỷ nhưng không sử dụng gì cả. Nhìn ra thế giới, nhiều nước không phải là nước xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn bao cấp hoàn toàn hệ thống giáo dục. Như nước Đức, họ hoàn toàn không thu tiền học phí từ cấp mẫu giáo đến ĐH. Vấn đề ở đây là chính sách phát triển giáo dục chứ không phải chúng ta không có tiền.