Có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ngày 15-3, chúng tôi ghi nhận ngoài hình ảnh đau lòng, hậu quả của việc chặt phá rừng kéo dài hàng tháng trời mà Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn không hề hay biết, còn là tình trạng cát cứ, coi Khu bảo tồn thiên nhiên không khác gì vườn nhà mình.
“Bờ rào” tại vị trí cách ngã ba đường Yết Kiêu khoảng 1,5 km bị tháo dỡ cuối tháng 2,
nay tiếp tục được rào lại cùng dòng chữ “không phận sự cấm vào” . Ảnh: Thanh Tùng.
Cùng với việc cách chức Hạt trưởng, Hạt phó và thay thế toàn bộ kiểm lâm viên ở Hạt KLLQ Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, ngày 3/3/2016, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo thu hồi 1.072,6 ha đất rừng và đất lâm nghiệp ở Khu BTTN Sơn Trà (được Hạt KLLQ Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn bàn giao cho UBND phường Thọ Quang Quản lý vào ngày 15/8/2015). Động thái kiên quyết này của người lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Tuy nhiên, khi tiếp cận Khu BTTN Sơn Trà vào ngày 15/3, chúng tôi vẫn gặp hình ảnh doanh nghiệp và các hộ dân cát cứ, dùng cành cây rào chắn rừng không khác gì rào vườn nhà mình.
Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất phát hiện rừng ở tiểu khu 62 bị phá vào ngày 25/2, rào chắn tại vị trí bốt gác của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trên con đường bê tông công vụ cách ngã ba đường Yết Kiêu khoảng 1,5 km bị tháo dỡ thì nay tiếp tục được rào lại cùng dòng chữ “không phận sự cấm vào”. Nhân viên một tổ chức bảo tồn thiên nhiên khi đến đây để tìm kiếm dấu vết của các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu biến mất một cách bí ẩn do rừng tiểu khu 62 bị phá; đã bị một người xưng là bảo vệ đuổi ra ngoài với lý do đây là đất của doanh nghiệp. Theo phản ánh của nhân viên tổ chức bảo tồn, nhân viên bảo vệ khu đất nói rằng đất bên trong “bờ rào” được làm bằng cành cây hiện đã được chuyển giao cho môt doanh nghiệp khác nên tiếp tục phải rào lại cấm người không phận sự đi vào.
Ngày 22/1/2016 Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết đề cập đến giai đoạn 2 của một Dự án (DA) đang được rốt ráo triển khai tại một phần sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích (cả 2 giai đoạn) là 142,1 ha. Trong khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, chủ đầu tư DA đã tiến hành đo đạc, phát chặt cây bụi, dây leo khiến sinh cảnh sống của ít nhất 7 bầy đàn với trên dưới 140 cá thể Vọoc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào danh mục bảo tồn vô điều kiện, bị đe dọa nghiêm trọng.
Tại cuộc họp báo do UBND.TP Đà Nẵng tổ chức, phóng viên báo Đại Đoàn Kết nêu câu hỏi với ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng về giai đoạn 2 của DA đe dọa nghiêm trọng sinh cảnh sống của Vọoc chà vá chân nâu ở và được ông Điểu khẳng định: Chưa có bất cứ một thứ giấy tờ gì của chủ đầu tư liên quan đến giai đoạn 2 của Dự án này. Ông Điểu cũng đồng thời cho biết đây là một Dự án quy mô với nhiều hạng mục công trình, trong đó có các khối nhà cao đến 20 tầng!
Chiều 15/3, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Điểu cho biết doanh nghiệp nói trên đã được Tổng cục Đất đai của Bộ TN&MT đồng ý cho triển khai giai đoạn 2 của Dự án. Theo ông Nguyễn Điểu, đây là doanh nghiệp có đủ nguồn lực thực hiện Dự án. Tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến thông tin đang có sự hiện diện của một doanh nghiệp khác ở khu đất này, ông Nguyễn Điểu lại nói rằng vì doanh nghiệp thực hiện Dự án không đủ sức làm nên phải bán cổ phần cho 1 hoặc 2 doanh nghiệp khác!. Các thủ tục pháp lý trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) triển khai giai đoạn 2 Dự án nói trên cũng được ông Nguyễn Điểu cho biết họ (doanh nghiệp) đang làm. Sở TN&MT hiện nay chưa chính thức nhận bất cứ hồ sơ gì của doanh nghiệp.
Sau bài viết “Mở đường trái phép ở KBTTN Sơn Trà” đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết vào ngày 28/11/2015, các cơ quan chức năng của quận Sơn Trà đã buộc tháo dỡ 2 cánh cổng kiên cố bằng sắt chắn ngang con đường bê tông công vụ - ngay lối rẽ xuống ngọn hải đăng Bãi Bắc của một người được giao đất rừng tên là Phạm Hùng Mạnh. Ngày 15/3 khi trở lại nơi này, chúng tôi ghi nhận 2 cánh cổng sắt mới chỉ tạm thời được tháo ra. Cách vị trí cổng sắt khoảng vài chục mét, ông Phạm Hùng Mạnh cho chặt cành cây làm rào cùng với tấm bảng “rừng nuôi trồng cấm vào”.
Những người dân đi lấy rong biển ở khu vực này nói rằng cái “bờ rào” được làm từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhưng không thấy có kiểm lâm nào đến kiểm tra, buộc dỡ bỏ. Nhìn cảnh những người dân hàng ngày phải khom người chui qua hộ lan đường công vụ để mưu sinh bằng nghề hái rong biển, chúng tôi không khỏi ái ngại về tình trạng cát cứ diễn ra một cách công khai ở KBTTN Sơn Trà trong sự lơ là trách nhiệm đến khó hiểu của cơ quan được giao quản lý, bảo vệ KBTTN nổi tiếng này.