Khủng hoảng của TTCK Trung Quốc: Việt Nam không bị ảnh hưởng

Thanh Giang (thực hiện) 16/07/2015 09:00

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng khẳng định như vậy và cho biết thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang khởi sắc cho nên những biến động của thị trường Trung Quốc không ảnh hưởng gì. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài thua lỗ ở TTCK Trung Quốc, việc đó chắc sẽ không xảy ra trong thời gian tới.

Khủng hoảng của TTCK Trung Quốc: Việt Nam không bị ảnh hưởng

Ảnh minh họa.

Nguồn:vietstock.vn

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về những tác động khủng hoảng của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đến dòng vốn đầu tư cũng như TTCK Việt Nam

PV: TTCK Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng sau một thời gian tăng trưởng như vũ bão. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng trên?

TS Nguyễn Trí Hiếu: TTCK Trung Quốc mới nổi lên khoảng chừng 20 năm, thành viên của thị trường không phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà chủ yếu là người dân bình thường. Và, họ thực hiện đầu tư theo kiểu mua lẻ, bán lẻ với tính chất đám đông. Chính vì lẽ đó mà thị trường dễ bị thổi phồng, đồng thời nhanh chóng xì hơi. Tức là, các thành viên tham gia thiếu tính chuyên nghiệp nên họ góp phần tạo ra bong bóng.

Bằng chứng cụ thể, 2 tuần gần đây TTCK Trung Quốc rớt điểm 30%, hàng ngàn DN hoãn giao dịch trên thị trường tạo mất mát lớn cho các nhà đầu tư. Riêng tuần vừa rồi tại Thẩm Quyến và Thượng Hải lấy lại được vài điểm phần trăm do các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài nguyên nhân do các thành viên tham gia thị trường thiếu tính chuyên nghiệp cao thì còn nguyên nhân nào nữa, thưa ông?

- Kinh tế Trung Quốc phát triển sau Thế chiến thứ 2, đặc biệt thời gian qua đã khẳng định mình trên bản đồ địa dư chính trị, kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn là thị trường mới nổi chứ không phải là thị trường truyền thống. GDP của Trung Quốc luôn tăng trưởng từ 8 – 9% song thời gian gần đây tỷ lệ này giảm xuống thấp nhất trong thời gian qua.

Để hỗ trợ nền kinh tế của cả nước Chính phủ Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế. Song điều bất hợp lý, TTCK và thị trường bất động sản (2 thị trường đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế) không được điều chỉnh cùng với thị trường chung. Kết quả hai thị trường này bị đẩy vào tình trạng bong bóng.

2 tuần qua, nhiều người mất mát hàng chục tỷ, trăm tỷ USD nhưng điều này cũng chỉ thể hiện bề nổi của thiệt hại. Nhằm hạn chế thiệt hại và diễn biến xấu của thị trường, Chính phủ Trung Quốc can thiệp bằng hàng loạt biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, sự can thiệp quá sâu của Chính phủ Trung Quốc gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài vì thị trường mất đi tự do cạnh tranh.

Thưa ông, khủng hoảng TTCK Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến TTCK Việt Nam khi mà Việt Nam cũng là một trong những thị trường đang phát triển?

- TTCK Việt Nam đang khởi sắc cho nên những biến động của thị trường Trung Quốc không ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài thua lỗ ở TTCK Trung Quốc. Theo tôi, đây là kỳ vọng nhưng việc đó chắc sẽ không xảy ra trong thời gian tới. Lý do, TTCK Việt Nam mới nổi, non trẻ, quy mô hoạt động còn thấp. Đặc biệt, lượng vốn của TTCK Việt Nam so với thế giới là cực thấp và so với TTCK Trung Quốc thì không đáng kể. Bởi vậy không có sự chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

TTCK Trung Quốc bị thổi phồng thành bong bóng một phần do ảnh hưởng từ việc mua bán cổ phiếu ký quỹ. Ký quỹ ở đây có nghĩa, nếu cổ phiếu tăng không sao nhưng mất điểm thì các công ty kinh doanh cổ phiếu cho biết người chơi phải đóng thêm tiền. Trường hợp không đóng công ty sẽ tự đẩy ra thị trường và làm rớt giá.

Việt Nam may mắn không xảy ra điều này vì ngân hàng nhà nước có hình thức ngăn chặn rủi ro. Ngân hàng nhà nước Việt Nam không cung cấp tràn lan tín dụng mà dựa vào một tỷ lệ nhất định. Đồng thời kiểm soát trong hạn mức theo Thông tư 36.

DN Việt Nam chưa thật sự có sức khỏe tốt, điều này có ảnh hưởng đến TTCK không, thưa ông?

- TTCK được kết cấu bởi các thành phần tham gia. Thị trường này thật sự phát triển khi các thành viên có sức khỏe tốt. Thời gian qua DN Việt Nam thành lập rồi đóng cửa cũng nhiều, điều này có phần ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài ra, tình hình nợ xấu hiện nay cũng là vấn đề đáng lo ngại. DN vướng vào nợ xấu thể hiện triệu chứng cơ thể không lành mạnh, như vậy chứng khoán không tốt lên được. Nói tóm lại, các thành viên tham gia thị trường phải có sức khỏe mới phát triển bền vững.

Theo ông, trong thời gian tới TTCK Việt Nam có cần sự thay đổi cơ cấu nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất?

- TTCK Việt Nam chưa thật sự tự do theo cơ chế thị trường mà vẫn dưới sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán quốc gia. Đây chỉ là cách để đối phó với khủng hoảng trước mắt. Về lâu về dài, TTCK cần theo cơ chế cung - cầu, tự do cạnh tranh thông qua sự sàng lọc của Ủy ban Chứng khoán.

Theo đó, DN phải minh bạch trong báo cáo tài chính về tỷ lệ lợi nhuận, nếu cần thì áp dụng kiểm toán độc lập, tránh tình trạng nhà đầu tư đổ vốn vào theo cảm tính. Ngoài ra, các thành phần tham gia mua - bán trên thị trường phải chuyên nghiệp không theo lời đồn thổi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng của TTCK Trung Quốc: Việt Nam không bị ảnh hưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO