Rất cần cán bộ lãnh đạo “đầu tàu” phải gương mẫu, có trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân.
Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Vừa rồi một loạt các vụ án xảy ra dẫn đến nhiều cán bộ “ngộ nhận” càng làm thì càng khuyết điểm, nhất là trong bối cảnh cả nước đang tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp. Từ đó khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên làm việc với thái độ cầm chừng.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó để ủng hộ, khuyến khích những người dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Theo ông Túc, vừa qua những cán bộ bị kỷ luật vừa rồi là những người vi phạm vào các quy định đã có, không phải là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cho nên, để phá vỡ tư tưởng cán bộ làm việc “cầm chừng”, rất cần phải có Chỉ thị của Bộ Chính trị, hoặc Ban Bí thư quy định rõ về vấn đề cán bộ, đảng viên dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cho rằng trước đây chúng ta đã có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm qua đó góp phần đưa đất nước phát triển, ông Túc phân tích: “Khi đất nước mới giải phóng, bước vào thời kỳ đổi mới, lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nói rằng, dù 14 chỉ tiêu của Trung ương đưa ra nhưng các đồng chí cần phải làm 2 chỉ tiêu là: Sản xuất phải phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện. Các chỉ tiêu khác không hoàn thành, Trung ương phê bình, bắt các đồng chí đi tù thì Thường vụ Thành ủy sẽ đi nuôi các đồng chí. Còn nếu tham nhũng, Thường vụ Thành ủy còn đề nghị thời gian tù tăng gấp đôi. Chính sự kêu gọi đổi mới đó, TP Hồ Chí Minh đã có sự tăng tốc. Sau đó ông Nguyễn Văn Linh được lên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, và lên Tổng Bí thư”.
Hay ông Chín Cần, lúc làm Bí thư Tỉnh ủy Long An đã dám nghĩ, dám làm khi “tiền tệ hóa đồng lương” vì thấy thấy người dân xếp hàng, tem phiếu nhiều quá nên quyết định cho tính vào lương. Sau đó, ông Chín Cần được lên chức Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách mảng nông nghiệp.
"Những hành động dám làm, dám chịu trách nhiệm không phải là ít trong thời kỳ đổi mới”, ông Túc nhớ lại, và cho rằng những tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong Đảng như thế thì đến nay rất cần rút kinh nghiệm để chỉ đạo đất nước trong quá trình đổi mới.
“Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phải có Chỉ thị để cụ thể hóa yêu cầu của Tổng Bí thư về việc sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong đó cần nêu rõ những mô hình, quy định cụ thể thế nào là dám làm, dám chịu trách nhiệm? Nhưng quan trọng nhất là những việc làm đó không vụ lợi, không vì lợi ích của cá nhân, gia đình hoặc địa phương. Vì vậy những sáng kiến, cách làm dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước của cán bộ đảng viên rất cần được quy định cụ thể”, ông Túc nói.
Cùng chung quan điểm, rất cần thiết ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Trong tình hình hiện nay đất nước đang hội nhập và phát triển. Cho nên vấn đề kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức cần được đặt ra và lưu tâm. Yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra là vấn đề hết sức quan trọng, làm sao qua đó để tạo niềm tin lớn trong nội bộ, nhất là niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Nhà nước.
Theo ông Hòa, thời gian qua người dân có những bức xúc, chưa hài lòng về một bộ phận cán bộ đảng viên mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự. Cho nên sự tin tưởng, hài lòng của người dân về sự quản lý, điều hành của chính quyền chưa yên tâm. Vì vậy rất cần thiết sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tình hình hiện nay.
Nhất là hiện nay chúng ta đang chuẩn bị đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó rất cần cán bộ lãnh đạo “đầu tàu” phải gương mẫu, có trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân là yêu cầu bức thiết đối với cán bộ đảng viên trong tình hình hiện nay.