Hiện nay, các phương tiện thông tin truyền thông giới thiệu và quảng bá về áo ngũ thân không ít, nhiều vị đại sứ lựa chọn loại áo này làm trang phục cho các nghi lễ ngoại giao trang trọng, các nhà sản xuất phim cũng đã đầu tư nghiên cứu, sử dụng làm trang phục trong phim cổ trang Việt Nam. Dù vậy, để áo ngũ thân đến gần hơn với công chúng, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những những gợi mở.
PV: Thưa ông, chúng ta cần làm gì để có thể gìn giữ, phát huy và quảng bá đúng cách, đạt hiệu quả tối đa nét đẹp văn hóa của tà áo ngũ thân truyền thống?
TS PHAN THANH HẢI: Thực tế, nhìn sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, trang phục truyền thống có khả năng phát triển và phổ biến rộng rãi là nhờ có chính sách khuyến khích người dân mặc những loại trang phục này. Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án “Đồng phục Hanbok trong trường học” để hồi sinh trang phục truyền thống và quảng bá nó thông qua các hoạt động thường ngày.
Vì thế, để bảo tồn, gìn giữ, phát huy và quảng bá hiệu quả nét đẹp văn hóa của trang phục truyền thống, cụ thể là áo dài ngũ thân, theo tôi cần phải xây dựng dự án, kế hoạch đưa di sản này vào đời sống xã hội đương đại một cách sâu rộng và thường xuyên hơn, đừng để việc phục hồi này chỉ dừng ở một trào lưu nhất thời. Trên hành trình này, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, của cộng đồng, và đặc biệt là giới trẻ.
Sở VHTT đã tiên phong trong hoạt động thực hành mặc áo ngũ thân tới công sở, thông điệp của hoạt động này là gì, thưa ông? Sau hoạt động đó, các cán bộ, các cơ quan nhà nước khác có hưởng ứng phong trào này không?
- Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan đầu tiên trên cả nước phát động phong trào mặc áo dài ngũ thân cho toàn thể cán bộ trong các buổi Chào cờ đầu tháng, các sự kiện văn hóa,... nhằm “bắt nhịp” với các phương thức quảng bá quốc phục trên thế giới. Đây là sự nỗ lực rất lớn nhằm đem lại những tín hiệu tích cực trong bối cảnh cổ phục đang “hồi sinh” mạnh mẽ.
Đồng thời, đây là một hành động đúng đắn và thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà mục tiêu là xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế. Điều này không chỉ nhằm phục hưng giá trị truyền thống văn hóa, một di sản của Cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực hỗ trợ ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự trong năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống tham dự lễ, tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa giàu bản sắc văn hóa.
Đặc biệt, hình ảnh Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trong tà áo ngũ thân truyền thống, ngay khi còn ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) hay chuyển qua cương vị mới, tham dự hội thảo khoa học, lễ tuyên dương học sinh danh dự, các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống, đọc thư chúc mừng năm mới, tiếp đón đại sứ các nước Australia, Đức,… đã tạo nên sự ủng hộ và nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với cộng đồng nhân dân trong và ngoài nước.
Qua việc thực hành mặc áo ngũ thân của các cán bộ tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan chức năng trong hoạt động đưa áo ngũ thân vào đời sống đương đại?
- Để tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô, tỉnh cũng đã khuyến khích từng bước đưa áo dài ngũ thân trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống. Nhằm xây dựng áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân thiết kế, may đo áo dài, từ đó, xây dựng các thương hiệu nổi tiếng về áo dài Huế, hình thành các điểm trưng bày, trình diễn áo dài và các trung tâm, cơ sở may đo áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế có những kế hoạch gì nhằm giúp cho hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
- Sở đã trình lên Bộ VHTTDL hồ sơ đề nghị đưa Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài ngũ thân vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Tiếp đến hướng tới xây dựng bộ hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO vinh danh nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, việc thực hiện thành công đề án này tạo ra cơ hội rất lớn để bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị cổ phục, cụ thể là áo dài ngũ thân trong bối cảnh đương đại, để Huế xứng đáng là Kinh đô Áo dài của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!