Khuyến khích phát triển án lệ áp dụng trong xét xử

HỒNG PHÚC 05/11/2022 08:00

Mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 bản án được ban hành, trong đó tại TP Hồ Chí Minh chiếm tới 20% nhưng hiện cũng chỉ có 69 quyết định, án lệ được áp dụng trên thực tế. Nhiều luật sư cho rằng, phải tận dụng và rà soát tốt hơn nữa để xây dựng được kho án lệ đủ điều kiện áp dụng trên cả nước.

Quang cảnh một phiên tòa xét xử trực tiếp kết hợp trực tuyến của tòa án nhân dân quận Tân Phú, TPHCM.

Liên quan đến áp dụng phát triển án lệ tại Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp TPHCM, ông Phùng Văn Hải - Phó Chánh án TAND TPHCM thừa nhận, thực tế áp dụng án lệ trên cả nước còn rất thấp, chưa kể số lượng án lệ được phát triển cho đến nay cũng chưa tương xứng với nguồn án rất lớn hàng năm.

Cụ thể, ông Hải chỉ ra, mỗi năm trên cả nước ban hành khoảng 300.000 bản án, riêng TPHCM đã là 60.000 bản án, thế nhưng tính chung cả nước cũng chỉ mới có 69 quyết định, án lệ được áp dụng vào thực tế (kể từ 15/11/2022 áp dụng thêm 4 án lệ mới - PV). Trong đó, án dân sự là 55 bản án, quyết định, còn lại là quyết định, bản án trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và quyết định về hôn nhân gia đình.

Đơn cử rà soát công tác phát triển án lệ tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Vinh - Chánh án TAND TP Thủ Đức cho rằng, với việc chiếm tới 20% tỷ lệ bản án hàng năm so với cả nước, thế nhưng chỉ phát triển được số lượng án lệ hạn chế là một bất cập rất lớn hiện nay. Theo ông Vinh, hàng năm án lệ là một nguồn để xét xử và cũng là xu hướng cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó, riêng các khởi kiện về kinh doanh thương mại, dân sự quốc tế đều đã có án lệ từ lâu. “Việc chỉ có 56 án lệ là quá thấp và cũng xuất phát từ một phần nguyên nhân do tâm lý của thẩm phán khi xây dựng bản án không dám sáng tạo trong nhận định” - ông Vinh cho biết.

Đồng tình về quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TPHCM cho rằng, trong số những án lệ đang được áp dụng trên phạm vi cả nước hiện nay chủ yếu là án lệ của TAND cấp cao hoặc TAND tối cao, trong khi rất hiếm các án lệ được phát triển từ nguồn án của TAND cấp tỉnh, huyện. Trường hợp tòa 2 cấp của TPHCM có nguồn án rất lớn như vậy nhưng cũng chỉ phát triển thành án lệ ở mức còn rất khiêm tốn. Theo chuyên gia này, TAND TPHCM và TAND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nên tận dụng nguồn án hàng năm của mình để phát triển các bản án, quyết định thành án lệ. Hiến kế cụ thể về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng, các thư ký tòa và thẩm phán có thuận lợi rất lớn là được tiếp cận nhiều hồ sơ, vụ việc, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Do đó, TAND 2 cấp thành phố cần tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để họ đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp phát triển kho án lệ để áp dụng đại trà.

Việc phát triển án lệ vừa chậm vừa chiếm tỷ lệ thấp đang là vấn đề bất cập trong công tác cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Hiện nay, theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về công tác phát triển án lệ thì tất cả những lập luận, phán quyết trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án 2 cấp về một vụ việc cụ thể đều được nghiên cứu để phát triển thành án lệ. Trong đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ lựa chọn và sau đó được công nhận chính thức là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử các vụ án.

Theo công bố của Chánh án TAND tối cao, kể từ 15/11 trên cả nước sẽ áp dụng thêm 4 án lệ (từ án lệ 53/2022/AL đến 56/2022/AL) trong hoạt động xét xử. Các án lệ này sẽ giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và tăng độ tin cậy của người dân đối với sự khách quan, công bằng, minh bạch của ngành Tòa án các cấp.

Dù vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác rà soát nguồn án để phát triển án lệ, ông Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TPHCM cũng ủng hộ cơ chế, chế độ, có chính sách khen thưởng, đãi ngộ với thẩm phán áp dụng án lệ trong xét xử. Chánh án TAND TPHCM đề nghị các thẩm phán TAND 2 cấp TPHCM cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất án lệ, đồng thời mạnh dạn áp dụng các án lệ vào từng vụ việc. Song song đó, hiện nay TAND 2 cấp TPHCM cũng tiếp tục phấn đấu để đề xuất ít nhất 5 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ mỗi năm.

PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TPHCM cho rằng, trong số những án lệ đang được áp dụng trên phạm vi cả nước hiện nay chủ yếu là án lệ của TAND cấp cao hoặc TAND tối cao, trong khi rất hiếm các án lệ được phát triển từ nguồn án của TAND cấp tỉnh, huyện. Trường hợp tòa 2 cấp của TPHCM có nguồn án rất lớn như vậy nhưng cũng chỉ phát triển thành án lệ ở mức còn rất khiêm tốn. Theo chuyên gia này, TAND TPHCM và TAND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nên tận dụng nguồn án hàng năm của mình để phát triển các bản án, quyết định thành án lệ. Hiến kế cụ thể về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng, các thư ký tòa và thẩm phán có thuận lợi rất lớn là được tiếp cận nhiều hồ sơ, vụ việc, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Do đó, TAND 2 cấp thành phố cần tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để họ đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp phát triển kho án lệ để áp dụng đại trà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến khích phát triển án lệ áp dụng trong xét xử