Trong văn bản mới nhất vừa ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024. Theo đó, Bộ khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, năm học 2023-2024 chính thức bắt đầu. Bước sang mùa tuyển sinh thứ 2 lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Việc lựa chọn tổ hợp môn học vẫn là mối quan tâm với phụ huynh, học sinh khi toàn bộ tâm sức năm học cuối cấp đã dành cho kỳ thi vượt vũ môn. Tại Hà Nội, cho đến thời điểm này việc lựa chọn môn học của học sinh tại nhiều trường học đã đi vào ổn định. Các nhà trường trước đó đã chủ động xây dựng tổ hợp và công bố sớm cho thí sinh, phụ huynh tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại trường.
Nằm trong trường thuộc top đầu về điểm tuyển sinh đầu vào, ngay từ năm 2022, năm đầu triển khai Chương trình GDPT mới 2018 ở cấp THPT, Trường THPT Việt Đức đã chủ động trong việc xây dựng tổ hợp, bố trí nguồn lực để triển khai mô hình các lớp theo định hướng nghề nghiệp và cũng thuộc một trong số ít trường THPT ở Hà Nội thời điểm đó tổ chức họp phụ huynh toàn bộ khối 10 trước ngày đặt bút đăng ký nhằm giải thích, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để giảm thiểu sai sót trong lựa chọn hoặc phải thay đổi về sau. Năm học 2023 - 2024, trước khi học trò lựa chọn tổ hợp, nhà trường cũng đã tổ chức cuộc họp phụ huynh để giải tỏa mọi băn khoăn, thắc mắc.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm mới không chỉ với phụ huynh, học sinh mà mới với ngay cả các thầy cô. Việc xây dựng tổ hợp còn căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhưng đồng thời cũng phải cho các em sử dụng những môn đó để vào các trường đại học sau này. Qua 1 năm học vừa rồi, đến nay trường chưa có học sinh nào xin đổi tổ hợp, do trường sắp xếp tương đối hợp lý.
Trường THPT Xuân Phương (quận Từ Liêm) năm học 2023- 2024 tuyển 15 lớp 10 với 7 tổ hợp nhóm môn, tương tự như năm 2022. Ông Trần Trọng Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho hay tổ hợp môn học ổn định nên ngay trong quá trình tuyển sinh, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh và học sinh thông tin về các nhóm môn để tìm hiểu, nghiên cứu trước.
Liên quan đến môn học tự chọn năm học 2023 - 2024, Bộ GDĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024. Cụ thể, đối với việc tổ chức dạy học các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT, Bộ GDĐT khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh; Đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ngoài ra, để thực hiện chương trình GDPT bảo đảm chất lượng, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đồng thời lưu ý, đối với môn Khoa học tự nhiên, cần phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn. Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên....
Theo hướng dẫn nói trên của Bộ GDĐT, với các lớp 5, 9 và 12 đang thực hiện Chương trình GDPT 2006, các trường tiếp tục thực hiện dạy học theo công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, lưu ý bổ trợ các nội dung theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 học lên lớp 10.