Chợ Quang Minh (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) từ nhiều năm nay xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích nhưng qua các thời kỳ “chuyển giao lãnh đạo” vẫn không có chế tài xử lý trách nhiệm.
Chợ Quang Minh được phê duyệt, xây dựng từ năm 2005 trên tổng diện tích được duyệt là 18.500m2 gồm các hạng mục như hệ thống chữa cháy, tòa nhà chợ trung tâm, các gian hàng ngoài trời và hệ thống các ki ốt riêng lẻ bao quanh các mặt chính phía ngoài chợ… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng giai đoạn đó là trên 18,2 tỷ đồng.
Sau khi xây dựng, các gian hàng, các ki ốt được chủ đầu tư tiến hành đấu giá. Đáng chú ý là các ki ốt phía ngoài bao quanh chợ được thu hút nhất. Sau 2 đợt tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lâu dài, 76 ki ốt phía ngoài phố chợ đã được bán cho các hộ kinh doanh với mức giá lên tới hàng trăm triệu đồng/ki ốt. Nguồn vốn thu từ bán đấu giá ki ốt được sử dụng đối trừ cho việc đầu tư xây dựng chợ.
Theo thiết kế, mỗi ki ốt này có diện tích 63 m2, được xây dựng 1 tầng, hộ kinh doanh được sử dụng lâu dài, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2009, chợ Quang Minh chính thức được khai trương, đưa vào sử dụng, với hơn 400 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, chợ thưa vắng dần. Mọi kế hoạch, chủ trương quy hoạch chợ, loại bỏ chợ cóc, chợ tạm tại thị trấn Quang Minh vẫn tồn tại.
Hiện tại chợ Quang Minh hầu như bị bỏ trống các gian hàng, chỉ một phần nhỏ gian hàng hoạt động, còn lại bị xuống cấp, hoang tàn. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống chữa cháy bị hỏng hóc có khả năng không thể sử dụng nếu xảy ra sự cố, môi trường ô nhiễm. Tòa nhà chợ trung tâm đóng cửa bỏ phí. Chợ hầu như chỉ hoạt động nhỏ lẻ.
Đáng chú ý và gây bức xúc dư luận là hệ thống các ki ốt phía ngoài chợ thì được cơi nới thành nhà ở, không có hoạt động kinh doanh hoặc kinh doanh sai mục đích nhưng vẫn không hề bị xử lý.
Thông tin về vấn đề này, đại diện cấp quản lý huyện Mê Linh cho biết: Chợ Quang Minh được xác định là chợ hạng 2. Trước đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện, từng bước chuyển đổi từ tổ quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hợp tác xã quản lý, kinh doanh - khai thác chợ. Tuy nhiên, thực tế tại chợ Quang Minh có 76 ki ốt đã giao dài hạn đến hộ kinh doanh nên khó thực hiện chuyển đổi, nên UBND huyện tiếp tục giao UBND thị trấn Quang Minh quản lý chợ.
Thế nhưng, trước những vấn đề đặt ra về việc quản lý chợ ra sao, việc hàng chục các ki ốt đã được giao dài hạn đến hộ kinh doanh và được các hộ này mua đi bán lại nhiều lần, được cơi nới, xây dựng và sử dụng làm nhà ở thì trách nhiệm thuộc về cá nhân hay tập thể trong công tác quản lý và xử lý ra sao; Đối với những trường hợp đã “biến chợ thành nhà” như vậy thì UBND huyện đã chỉ đạo xử lý hay cứ lờ đi qua hết lần này đến lần khác, thì UBND huyện Mê Linh lại không có câu trả lời, phương án giải quyết cụ thể.
Việc xử lý mang tính hình thức bằng thể thức văn bản, nhưng không có tính hiệu quả đã tồn tại và lờ đi, cùng với việc quy trách nhiệm của các cấp cán bộ, lãnh đạo khiến những sai phạm mãi tồn tại, thách thức. Đã đến lúc, cấp chính quyền huyện Mê Linh cần làm rõ trách nhiệm trước những sai phạm và xử lý dứt điểm.