Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Sở Y tế TP HCM đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục. Đây là một bước quan trọng để học sinh thành phố trở lại trường học sau nhiều tháng phải tạm ngưng việc học trực tiếp.
Mặc dù vậy, diễn biến ca mắc mới Covid-19 đang tăng nhanh khiến TP HCM đang tính toán kỹ càng hơn về phương án, kịch bản đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học vào tháng 12 tới.
Theo đại diện Sở Y tế, nếu như thời điểm cuối tháng 10 đầu tháng 11 số ca mắc Covid-19 tại thành phố đã giảm sâu, có thời điểm thấp nhất chỉ còn trên dưới 600 -700 ca bệnh phát hiện trong 24 giờ. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây khi đã nới lỏng giãn cách, các ca mắc mới có xu hướng gia tăng trở lại. Trong đó, thời điểm cuối tháng 11 có ngày ghi nhận hơn 1.800 ca mắc mới. Căn cứ theo diễn biến số ca F0 trên địa bàn TP HCM được tổng hợp từ Cổng thông tin Covid-19 thì đây là đỉnh điểm mới được thiết lập ở ngưỡng cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Số ca mắc gia tăng trong bối cảnh Sở GDĐT và Sở Y tế TP HCM vừa xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục. Kèm theo đó, thành phố cũng trình phương án, kịch bản đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học, dự kiến từ tháng 12/2021. Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM, ngành Giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi học sinh trở lại trường học học trực tiếp. Theo ông Dũng, kinh nghiệm quý giá là từ đầu tháng 10 năm nay thành phố đã cho thí điểm học sinh các khối 1, 2, 6, 9 và 12 của Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp. Qua gần 1 tháng qua, Sở GDĐT TP HCM và huyện Cần Giờ đã có những đánh giá cơ bản, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm để xây dựng phương án cho học sinh trên toàn thành phố đi học trực tiếp trong thời gian tới.
Để đến trường, học sinh 12-17 tuổi phải đủ điều kiện được tiêm vaccine mũi 1 và đang tiêm mũi 2. Các em học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine cũng sẽ có phương án để bảo đảm an toàn cho các em khi trở lại trường học. Sở GDĐT TP HCM cũng đã chỉ đạo với từng trường, từng khối phải xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để ứng phó với từng tình huống dịch bệnh xảy ra.
Riêng đối với khối mầm non đã trải qua thời gian dài phải tạm đóng cửa do dịch Covid-19, Sở GDĐT TP HCM đề xuất UBND thành phố về việc hỗ trợ mỗi trường mầm non tư thục gần 35 triệu đồng, hỗ trợ trẻ mầm non là con của công nhân làm việc tại khu công nghiệp số tiền 160.000 đồng/tháng. Đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN cũng được hỗ trợ mức 800.000 đồng/tháng…
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, dù hiện nay thành phố đã đạt tỷ lệ phủ vaccine khá cao so với nhiều địa phương trên cả nước nhưng không thể chủ quan trước diễn biến gia tăng số ca mắc mới Covid-19. Cụ thể, theo ông Hưng việc tiêm chủng vaccine không thể bảo đảm 100% không lây nhiễm. Do đó, thành phố cần tập trung đồng bộ các biện pháp không để khống chế đà lây lan của dịch bệnh, nhất là phương án, kịch bản để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi trở lại trường học. Riêng đối với các trường hợp học sinh có chống chỉ định tiêm vaccine, đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khuyến cáo phụ huynh cần đưa con em đến trực tiếp các điểm tiêm để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán để đưa ra lời khuyên cụ thể.
Để chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, thành phố đã tái lập lại tổng đài 1022 hỗ trợ F0 và các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 điều trị tại nhà, đồng thời tăng cường năng lực của các cơ sở thu dung, điều trị… Song song đó, ngành y tế đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 11 năm nay. Ngoài ra, ngành y tế thành phố tiếp tục phối hợp với các quận huyện và TP Thủ Đức tổ chức, rà soát đối tượng trong nhóm tuổi trưởng thành chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi để triển khai tiêm vét cho các em.
Phụ huynh TP HCM “nháo nhào” làm mã định danh cho học sinh
Thời gian gần đây, TP HCM đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 dành cho trẻ em dưới 14 tuổi. Đây là chính sách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và giúp các em sớm trở lại trường học. Tuy nhiên, theo quy định trẻ em phải có mã định danh để xác nhận thông tin tiêm chủng. Vì vậy, hàng nghìn phụ huynh học sinh không có hộ khẩu thường trú ở TP HCM đã nháo nhào tìm cách xác nhận mã định danh tại cơ quan công an địa phương thường trú. Trong bối cảnh dịch bệnh đi lại khó khăn, việc này không hề dễ dàng gì.
Thực tế tình trạng tạm trú, lưu trú với công nhân, người lao động ngoại tỉnh đang sinh sống ở TP HCM khá phổ biến, lên đến hàng trăm nghìn người. Hiện nay, việc phải về cơ quan công an nơi đăng ký thường trú theo đúng quy định là khá tốn kém, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường ở nhiều địa phương. Trong khi đó, do quy định mã định danh dành cho trẻ chưa đủ tuổi làm căn cước công dân phải do công an địa phương cấp nên TP HCM không thể làm thay.
Trước đây ít ngày, lãnh đạo Công an TP HCM đã có công văn gửi lãnh đạo công an các tỉnh thành nhằm hỗ trợ việc cấp mã định danh cho trẻ em dưới 14 tuổi (hoặc chưa làm căn cước công dân) để phục vụ việc tiêm vaccine.
Đoàn Xá