Kiểm duyệt phim: Cần có tiếng nói chung

Minh Hà 16/02/2017 08:05

Bảng tiêu chí phân loại phim tại hệ thống rạp trong nước đã áp dụng được hơn 1 tháng nay. Nhưng cho đến thời điểm này vẫn còn những ý kiến trái chiều quanh cơ chế kiểm duyệt. Trên thực tế có những phim bị kiểm duyệt rất chặt, nhưng cũng có những phim được cho là ưu ái “lỏng tay”.

Một cảnh trong phim "50 sắc thái-Đen".

Băn khoăn kiểm duyệt

Đa phần những phim áp dụng tiêu chí phân loại phim nói trên đều thuộc những bộ phim chiếu vào dịp Tết hoặc sau Tết 2017. Mới đây nhất, chỉ trong vòng 2 ngày ngắn ngủi, bộ phim “John Wick: Chapter 2” đã phải hoãn lịch chiếu tới 2 lần do chờ kiểm duyệt. Lần đầu tiên lẽ ra phim đã chiếu vào ngày 8/2 tại Hà Nội, nhưng trước khi buổi chiếu diễn ra, truyền thông của đơn vị phát hành phim lại thông báo hủy buổi chiếu bởi sự cố khách quan ngoài ý muốn.

Đến ngày 9/2, tới suất chiếu giới thiệu với truyền thông tại TP HCM, khi khán giả đã vào rạp rồi, đơn vị phát hành mới thông báo là chưa thể chiếu bộ phim này và khắc phục bằng cách chiếu bộ phim khác.

Thực chất lý do khách quan ở đây là quá trình chờ đợi hoàn thiện hồ sơ để chờ được ký giấy phép phát hành. Bởi theo hội đồng kiểm duyệt bộ phim này có khá nhiều cảnh bạo lực, hội đồng phải xem đi xem lại, sau đó đề nghị nhà làm phim cắt sửa cho phù hợp với tiêu chí của Việt Nam thì mới có thể hoàn thiện hồ sơ đề ký giấy phép phát hành phim.

Theo đó, “John Wick: Chapter 2” được phát hành tại Việt Nam với nhãn phân loại là C18 – cấm người dưới 18 tuổi, và thời lượng của phim được điều chỉnh còn 121 phút (so với thời lượng chính thức là 122 phút). Như thế có nghĩa là phim bị “cắt” đúng 1 phút .

Bên cạnh những bộ phim được kiểm duyệt gắt gao, có những bộ phim bị khán giả đánh giá là khâu kiểm duyệt “lỏng tay”. Đơn cử như như phim “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” của Châu Tinh Trì - Từ Khắc là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất đầu tháng 2 vừa qua tại Việt Nam (nhằm dịp Tết Nguyên đán 2017).

Phim được dán nhãn P - tức dành cho mọi đối tượng khán giả khi ra rạp. Thế nhưng phim lại có quá nhiều cảnh yêu quái ăn mặc hở hang không phù hợp với trẻ nhỏ.

Hay bộ phim “Fifty Shades Darker”(50 sắc thái: Đen) cũng bị cho là lọt kiểm duyệt tại hệ thống rạp trong nước với nhãn C18.

Trước đó, mùa Valentine 2015 bộ phim này từng ra rạp với phần 1, và bị cắt bỏ hết các cảnh nóng. Nay nhờ có mác C18 phim “Fifty Shades Darker” phần 2 đã không bị cắt bỏ nhiều.

Vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Thông thường, trước khi phim ra rạp sẽ có buổi chiếu kiểm duyệt tại Cục Điện ảnh. Nếu phim có cần phải cắt bỏ đoạn nào, gắn nhãn ra sao sẽ được thông báo qua giấy phép phổ biến phim do Cục Điện ảnh cung cấp.

Vậy thì Hội đồng kiểm kiểm duyệt đã làm việc ra sao? Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia khẳng định: tất cả đều được làm theo quy định của pháp luật.

Trong đó bao gồm Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Bản quyền, Nghị định 54 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh.

Theo đó, Hội đồng không hề phân biệt giữa phim nội và phim ngoại, mà chỉ căn cứ vào hình thức và nội dung thể hiện. Nhưng với bảng tiêu chí phân loại phim mới vừa áp dụng từ năm 2017 thì Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Thực ra câu chuyện “cắt” phim không phải là chuyện mới. Trước khi Cục Điện ảnh áp dụng tiêu chí phân loại phim nói trên, dường như phim cứ có cảnh nóng là bị cắt. Việc này gây bất bình cho cả nhà sản xuất và khán giả.

Trong khi chính sách kiểm duyệt phim ở ta đi sau các nước rất nhiều. Ở các nền điện ảnh phát triển, việc kiểm duyệt phim áp dụng bằng cách phân loại phim theo độ tuổi, kèm lời cảnh báo về nội dung có thể gây ảnh hưởng tới người xem. Đằng này kể từ 1/1/2017 áp dụng tiêu chí phân loại phim mới, mà phim vẫn bị cắt…rõ ràng chưa thỏa đáng.

Nhất là ở thời kỳ mà khán giả có nhiều kênh để xem phim, họ có thể dễ dàng so sánh được phim đã bị cắt bỏ thời lượng như thế nào, đoạn nào. Do đó, việc cắt phim cũng cần tránh theo cảm tính.

Được biết khi áp tiêu chí phân loại phim nói trên, bên cạnh các nhà chuyên môn như các nhiệm kỳ trước, Hội đồng thẩm định phim có thêm các đại diện có trách nhiệm của các cơ quan: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Đoàn Thanh niên…

Với mong muốn lớn nhất là đảm bảo quyền lợi xem phim của khán giả. Còn khán giả luôn kỳ vọng sẽ được thưởng thức những bộ phim chất lượng hơn.

Nhưng có lẽ nên có sự đối thoại rõ ràng giữa cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt và những người làm phim, phát hành phim để tìm ra tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm duyệt phim: Cần có tiếng nói chung