Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); và Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Giải trình về việc có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung “nhóm hộ gia đình”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là chủ rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Việc quy định các loại chủ rừng liên quan đến quyền và trách nhiệm của chủ rừng được quy định tại Chương VIII của Dự thảo Luật.
Trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình.
Do vậy, xin không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường và Ban soạn thảo xin phép không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật”- ông Dũng nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, “Cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng để phù hợp với quy định của Luật Đất đai vì Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, cho thuê rừng, được thực hiện dự án đầu tư trồng rừng. Do đó cần cân nhắc cho phù hợp”.
Cho ý kiến về Luật Thủy sản (sửa đổi), vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là chính sách cho lực lượng kiểm ngư nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh, quốc phòng.
Ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội bày tỏ quan điểm, Thường trực Ủy ban này nhất trí với ý kiến của các vị ĐBQH về cần thiết phải có quy định về chính sách cho lực lượng Kiểm ngư trong Dự thảo Luật để đảm bảo cho lực lượng này thi hành nhiệm vụ trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh, quốc phòng.
Theo ông Dũng, đã thiết kế lại nội dung Chương VI quy định về lực lượng Kiểm ngư theo hướng chi tiết hơn, Dự thảo Luật đã có quy định về chính sách đối với người có công theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hoạt động của lực lượng kiểm ngư liên quan đến các luật khác và Hiến pháp. Kiểm ngư có rất nhiều thẩm quyền do đó cần đánh giá lại thực trạng hoạt động thời gian qua như thế nào? Hoạt động ra sao? Vì đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực thi pháp luật trên biển nên chức năng khá rộng, trong đó có các quyền như điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên biển, rồi được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và truy đuổi bắt giữ.
“Bây giờ rà soát xem các Luật khác liên quan xem đã đủ chưa? Nhiệm vụ quyền hạn mới nói của kiểm ngư, vậy kiểm ngư viên chức năng nhiệm vụ từng cấp thế nào thì chưa nói đến cho nên nội dung này cần phải chi tiết hơn”- bà Nga bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, kiểm ngư nên có ở 2 cấp là tỉnh và vùng. Vùng là cấp Trung ương để giải quyết những sự cố lớn ở ngoài biển, là lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu.
Còn ở cấp tỉnh để giải quyết các vấn đề như bão lụt vì không ai nắm chắc biển bằng kiểm ngư, họ có thể nắm được bao nhiêu thuyền để kêu gọi khi xảy ra bão.
“Kiểm ngư còn gắn với dân, bảo vệ môi trường biển và bảo vệ vùng biển, chưa kể có lực lượng kiểm ngư tại địa phương sẽ xâu chuỗi tàu thuyền của các gia đình với tổ hợp tác xã để đánh bắt trên biển cho hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng biển.Cho nên có chính sách quan tâm đến lực lượng kiểm ngư sẽ có lợi cho đất nước”- ông Việt nói.
Về quy định cho đối tượng nước ngoài được thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, theo ông Phan Xuân Dũng: Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn khả năng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Do vậy Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản như thể hiện tại Khoản 4 và giao Chính phủ quy định chi tiết như tại Khoản 6, Điều 43 của Dự thảo Luật. |