Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Kiểm soát chặt khi thị trường “rung lắc”

Ngọc Quang 08/07/2024 19:39

Lần tăng giá xăng dầu mới đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 16 lần tăng, 11 lần giảm. Mặt hàng dầu 15 lần tăng, 12 lần giảm. Kể từ 1/7, chế độ lương mới, lương hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng đã được thực hiện. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại thị trường sẽ “rung lắc”. Thực tế ra sao?

Trước nay, mỗi khi tăng lương thì giá nhiều mặt hàng lại “té nước theo mưa”. Vậy, lần tăng lương này với khoảng 16.000 tỷ đồng từ nay tới hết 2024, sẽ tác động thế nào tới giá cả? Lo ngại là đúng, nhưng phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu có tác động thì sự “rung lắc” cũng không nhiều.

Tại công điện số 61 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công thương chủ trì tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ổn định giá cả thị trường. Từ đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn việc tăng giá bất thường.

Theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) Việt Nam, có khoảng 50 triệu lao động nhưng tỷ trọng người lao động khu vực công (được tăng lương cơ sở) chỉ chiếm khoảng 8%. Vậy nên phần lương tăng thêm tác động lên mặt bằng giá cả không lớn. Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính đưa ra con số: Tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 16.000 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng. Con số này không lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Tuyến, để ngăn việc giá hàng hoá tăng theo lương, cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều giải pháp.

Đáng chú ý, thực tế thị trường đang có những biến động cần được nhận thức sâu hơn. Cùng với việc lo ngại giá tăng theo lương thì nhiều siêu thị lại đã tung ra các đợt khuyến mại, giảm giá. Cho thấy sức mua của xã hội yếu.

Số liệu từ cơ quan chức năng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098.700 tỷ đồng; tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%). Đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cũng cho rằng giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI) giá cả tương đối ổn định.

Tuy nhiên, ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, Bộ Tài chính yêu cầu địa phương tăng cường giám sát thực hiện các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện chấn chỉnh khắc phục những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Trong khi đó, giới chuyên gia tài chính cho rằng, ở thời điểm này dù giá cả vẫn ổn định, nhưng cùng với việc kiềm chế lạm phát nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cần chủ động rà soát phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá để có phương án điều chỉnh giá phù hợp.

Khi nhiều yếu tố mới có thể dẫn đến sự “rung lắc” của thị trường, thì lại càng cần kiểm soát chặt chẽ. Buông lỏng kiểm soát để một vài loại hàng hóa tăng giá sẽ dễ tạo ra phản ứng dây chuyền kéo theo nhiều mặt hàng khác. Trong trường hợp đó sẽ dẫn đến việc hình thành mặt bằng giá mới, không chỉ gây áp lực lạm phát mà cụ thể hơn là tác động xấu đến thu nhập thực tế của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như việc điều chỉnh tăng của giá xăng dầu mới đây là nằm trong lộ trình, tham chiếu với giá xăng dầu thế giới; thì rất cần ổn định mức giá hiện nay với điện cũng như giá cả các mặt hàng, nhất là dịch vụ giáo dục khi năm học mới cũng đã sắp bắt đầu. Cần hạn chế ở mức thấp nhất việc tăng giá khi lương tăng. Nếu không thì việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa và còn có thể đẩy chỉ số lạm phát lên.

Nhân đây cũng xin được đưa ra một con số mang tính tham khảo: Một số chuyên gia tài chính lạc quan khi cho rằng lạm phát trung bình cả năm 2024 quanh mức 3,2 - 3,6%; thấp hơn so với Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chặt khi thị trường “rung lắc”