Kiểm soát giá, tăng kích cầu hàng Tết

Thanh Giang 04/01/2023 07:38

Hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hiện nguồn hàng phục vụ Tết đã được các địa phương, doanh nghiệp, nhà bán lẻ chuẩn bị khá dồi dào. Nhiều chương trình bình ổn, khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng mùa Tết cũng được tung ra. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, sức mua hàng hóa Tết trên thị trường vẫn khá trầm lắng.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng Tết từ vài tháng trước. Nhờ chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, nên sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến.

Tại một số địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công thương đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương. Vì vậy, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn nhiều tỉnh, thành hàng hóa Tết đã ngập tràn, gồm các loại bánh, kẹo, giỏ quà Tết… cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Hàng hóa Tết được các siêu thị, chợ chuẩn bị đầy đủ.

Tăng khuyến mãi

Bước chân vào khu bánh mứt, thực phẩm khô của chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM), cảm nhận ngay không khí Tết nguyên đán đang về. Chỉ vào sạp bánh mứt, đồ khô được bày bán khá phong phú và đa dạng, bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, đồ khô cho hay: “Mùa nào cung ứng hàng hóa đó. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay số lượng hàng hóa Tết bán sỉ vẫn chưa nhiều, chỉ tăng khoảng 30 – 40% so với ngày thường. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là bạn hàng từ các tỉnh, thành, song số lượng đơn hàng cũng không nhiều. Có thể đến khoảng 20 tháng Chạp sức mua mới thật sự tăng cao”.

Chuẩn bị khá đầy đủ nguồn hàng Tết như: Mứt dâu, mứt táo, mứt kiwi, khô bò, khô mực,… song nhiều tiểu thương chợ An Đông (quận 5) vẫn hồi hộp trông ngóng khách hàng ngày. Bà Trương Tứ Muối, tiểu thương chợ An Đông cho biết: “Khách hàng mua sử dụng cho dịp Tết Nguyên đán chưa nhiều. Những ngày gần đây tôi bán được chút đỉnh nhờ những mối quen hàng năm mua bánh mứt gửi đi nước ngoài làm quà cho người thân. Nhìn chung, năm nay kinh tế khó khăn nên sức mua có phần bị ảnh hưởng nhiều”.

Chia sẻ về sức mua hàng hóa Tết trên thị trường hiện nay, đại diện nhiều siêu thị cho rằng: vẫn thấp. Dự báo lượng khách hàng sẽ cải thiện và tăng nhanh vào những ngày cận Tết. Để kích cầu tiêu dùng, một số nhà phân phối lớn trong và ngoài nước đã tung chương trình khuyến mãi. Điển hình, bắt đầu từ ngày 31/12/2022, gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm của Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tung 12.000 sản phẩm Tết được giảm giá từ 10 – 50%.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nhu cầu mua sắm dịp Tết năm nay sẽ tăng nhưng ở một mức khiêm tốn, trong khoảng từ 15 đến 20%. Lý giải điều này, ông Phú cho rằng sau đại dịch, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nên vẫn phải tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra từ cuối tháng 11 đến nay số công nhân bị nghỉ việc, giãn việc tăng, thu nhập của người lao động ở các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng bị giảm đáng kể.

Kiểm soát giá ổn định

Đại diện Mega Market thông tin: “Từ vài tháng trước, chúng tôi đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định, mang đến cho khách hàng mức giá cạnh tranh nhất có thể. Đối với thực phẩm tươi sống, chúng tôi đang theo dõi kỹ biến động của thị trường, nhưng vẫn luôn đảm bảo ở mức giá bình ổn”. Phía Mega Market cho biết và dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10%-20% so với dịp Tết năm ngoái.

Nói về quản lý giá cả trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Ngô Hồng Y – Trưởng phòng Quản lý thương mại, sở Công thương TPHCM cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá. Không điều chỉnh tăng giá trong và sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm,... Bên cạnh đó, chương trình Shopping Season đợt 2 năm 2022, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

“Sở Công thương TPHCM tiếp tục theo dõi, đánh giá cung - cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động điều tiết, không để xảy ra tình trạng thiếu hay gián đoạn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, sở Công thương TPHCM cũng phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán” – ông Y cho biết.

Theo ông Y, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn TPHCM dịp Tết Nguyên đán, thành phố chỉ đạo với các DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP) TP HCM:

Thành lập 11 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Ban QLATTP triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 11 đoàn được thành lập để kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Trong đó, kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ…

THANH GIANG(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát giá, tăng kích cầu hàng Tết