Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án. Công tác đấu tranh chống tham nhũng đã nhận được sự quan tâm của các vị ĐBQH.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: Quốc Anh).
Kê khai tài sản còn hình thức
Tội phạm giảm nhưng tình hình vi phạm pháp luật tăng. Tình hình vi phạm pháp luật tăng nhưng xử lý lại giảm. Có nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng nhưng lại xử lý hành chính. Có trường hợp công dân không phạm tội nhưng cơ quan xét xử không tuyên vô tội mà đình chỉ vụ án- đó là những vấn đề được ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu ra. |
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.
Cũng theo ông Sáu, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH: Việc xử lý trách nhiệm
người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ
và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. “Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015. Có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình”- bà Nga dẫn chứng.
Nhận định về truy tố tội phạm tham nhũng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng “rất đáng lo ngại”, bởi tham nhũng không giảm nhưng trong đấu tranh lại giảm. Cùng chung nhận định, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nhìn nhận, tội phạm tham nhũng giảm về số vụ và số người nhưng không làm cho chúng ta yên tâm, mà còn lo lắng khi tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Nói như lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Chúng ta có một bộ máy, tổ chức rất mạnh mẽ nhưng tham nhũng chưa được ngăn chặn, và tham nhũng vẫn “hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”.
Hoàn thiện cơ chế để chống tham nhũng
Nhận xét vụ án tham nhũng sau lại có người tham gia nhiều hơn vụ án trước, ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, chủ trương chống tham nhũng được đẩy mạnh nhưng “có gì đó” chưa ổn đó là khâu tổ chức thực hiện. Theo ông Diến, tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình hiện nay. Một thực tế là cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp khi làm việc với các cơ quan công quyền phải “bôi trơn” thì mới xong việc. “Trong kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp, cử tri và nhân dân đã tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã có kiến nghị tăng cường thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa): Tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu,
xử lý tham nhũngchưa tương xứng với thực tế. Vẫn có chuyện
cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp khi làm việc với
các cơ quan công quyền phải “bôi trơn” thì mới xong.
Công chức thi hành án vi phạm pháp luật gia tăng không thể do trình độ, năng lực kém. Việc đánh giá nguyên nhân như trên là chưa đáp ứng thực tế vì những người vi phạm đều là những người có chức, có quyền, đang đương chức nên không thể nói là trình độ, năng lực kém. Muốn giảm số lượng thi hành án vi phạm pháp luật thì cần có biện pháp răn đe, ngăn ngừa. Khi có dấu hiệu vi phạm thì cần chuyển vị trí công tác- theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình). |
Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành chính sách công khai, minh bạch để kiểm soát nguồn lực, công tác tổ chức cán bộ để kéo giảm tham nhũng. Chính phủ cần kiểm soát rõ hơn về kê khai tài sản, xác định đâu là tài sản đứng tên? Còn đâu là tài sản để cho người nhà đứng tên? Phải cương quyết phải thu hồi lại tài sản do tham nhũng gây lên”-ông Diến kiến nghị.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, một số vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhưng thu hồi tài sản không được bao nhiêu. “Vậy tiền đã đi đâu? Ai đã nhận nó? Nếu không biết tiền đi đâu thì làm sao thu hồi được tài sản, chống được tham nhũng”- ông Sinh nói.
Nhấn mạnh “cuộc chiến không thể thành công nếu không huy động được sức dân” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt vấn đề: Chúng ta đã có cơ chế để cho nhân dân giám sát hay chưa? Tại các kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân luôn nêu lên kiến nghị mong mỏi của cử tri, nhân dân phải cương quyết trong đấu tranh chống tham nhũng. “Theo tôi cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế để tạo điều kiện cho Mặt trận giám sát tham nhũng, và có chính sách hữu hiệu bảo vệ người chống tham nhũng”- ông Sinh nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM), cơ chế xin - cho chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, là nguyên nhân căn bản làm khó người dân và doanh nghiệp, làm cho công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả. Bà Tâm cũng đề nghị làm sao để Mặt trận và nhân dân được phát huy trong đấu tranh chống tham nhũng.