Kiểm soát quyền lực khi không tổ chức HĐND quận, phường

Mai Loan - H.Vũ 27/10/2020 07:15

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh; thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2020.

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, TP HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, TP HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Vì thế cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Thẩm tra nội dung trên, bày tỏ quan điểm đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên do không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, phường trực thuộc, nên ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP HCM để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cách đây 6 năm, TP HCM là 1 trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, tổng kết việc thực hiện thí điểm, được cử tri đồng tình ủng hộ. Do đó cho phép TP HCM tổ chức chính quyền đô thị là phù hợp. Để Nghị quyết có thể triển khai thực hiện từ ngày 1/7/2021 thì cần có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Tuy nhiên để đảm bảo quyền dân chủ của người dân, ông Hòa đề nghị cần tăng thêm đại biểu HĐND thành phố trong thực hiện các vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực khi không có HĐND quận, phường.

Nói như lời ĐB Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên): “Thời gian qua dù đã có kiểm soát quyền lực nhưng vẫn để xảy các sai phạm, buộc phải xử lý cán bộ. Vì vậy khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì cần quan tâm đến quyền dân chủ của nhân dân trong kiểm soát quyền lực. Chính quyền tinh gọn nhưng phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Còn ĐB Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) cũng đề nghị, nâng cao chức năng giám sát của HĐND thành phố, MTTQ các ĐBQH khi không tổ chức HĐND tại quận, huyện phường để đảm bảo quyền dân chủ của người dân.

Từ điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn (do được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Đại hội Đảng của tỉnh diễn ra vào ngày 27/10), ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM sẽ giúp các quyết định nhanh hơn, gắn với trách nhiệm cá nhân tại cấp quận, phường. Nếu cán bộ không đảm bảo sẽ giúp việc thay thế nhanh hơn.

Tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp

Trước đó, buổi sáng ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2020.

Về công tác PCTN, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Công an đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 38,56%; 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ ít hơn 2,49%. Theo Bộ trưởng, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Tình hình tham nhũng có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

Thẩm tra báo cáo trên, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.

Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến.

“Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự. Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy vừa qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”; bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”- bà Nga nêu vấn đề.

Bà Nga cũng cho rằng, số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít. Còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN.

Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Vừa qua đã diễn ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh, bão lũ để vi phạm pháp luật như nâng giá mua bán vật tư y tế, lừa đảo. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để ngăn ngừa. Không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn phòng ngừa không để xảy ra tiêu cực tham những, lợi dụng dịch hay bão lũ để tham ô, tham nhũng, gắn liền với công tác đấu tranh PCTN đang được Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm rất cao. Dưới sự đứng đầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đã đẩy mạnh công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm.

Theo Phó Thủ tướng, việc có dấu hiệu lợi ích nhóm, cấu kết với người có quyền lực để tham những đang được tiếp tục điều tra, truy tố triệt để, không có vùng cấm, đảm bảo đúng người đúng tội, bên cạnh đó là xây dựng cơ chế phòng ngừa, và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát quyền lực khi không tổ chức HĐND quận, phường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO