Xung quanh Diễn đàn về Sức mạnh mềm trên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Lê Khôi- Giám đốc phụ trách miền Bắc Học viện Quảng cáo Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông có những đánh giá, chia sẻ về vấn đề này.
Ông Phan Lê Khôi.
PV: Mạng xã hội tác động lớn tới giới trẻ. Ông nghĩ sao thực tế này?
Ông Phan Lê Khôi: Mạng xã hội là thế giới ảo nên con ngưởi có thể thoải mái xây dựng cho mình một mẫu hình mong muốn mà không sợ bị bóc mẽ. Điều này tạo ra những cuộc chạy đua ngầm giữa các cá nhân trong cùng một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến nhu cầu phải thể hiện bản thân một cách tốt nhất: Tôi phải bằng hoặc hơn người kia. Sống ảo có nguồn gốc từ sự ganh đua. Ganh đua về like, share, comment, followers. Ganh đua về sang chảnh, du lịch, ăn uống, kiến thức, quan hệ xã hội, ngoại hình… Tất cả những điều này tạo nên sự mệt mỏi và căng thẳng. Và rồi đến một ngày người ta thấy việc sống ảo làm cho mình thoải mái nhất khi mà con người không còn muốn sống thật nữa hoặc muốn nhưng không thể.
Dưới góc độ của một người làm truyền thông, ông đánh giá như thế nào về những tác động tích cực của “quyền lực” này, đặc biệt là ở Việt Nam?
- Quyền lực mềm trên mạng xã hội thường là các cá nhân hoặc tổ chức hoặc xu hướng có ảnh hưởng bao trùm, định hướng và dẫn dắt dư luận. Quyền lực mềm trên mạng xã hội được hình thành từ các nhu cầu chung hoặc các xu hướng phổ biến của một nhóm lớn công chúng, trong đó 1 cá nhân hoặc tổ chức nổi bật lên bởi quan điểm, thông tin, sự phân tích và các chiêu trò PR dẫn dắt quan điểm. Bởi quyền lực mềm là yếu tố tự nhiên nên có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Mặt tích cực của quyền lực mềm tại Việt Nam hiện nay là nó có thể được sử dụng để tạo nên các xu hướng tích cực, qua đó dẫn dắt công chúng theo hướng tích cực mà nó tạo ra. Thí dụ như OTOFUN là 1 dạng quyền lực mềm và diễn đàn này đang góp phần tạo nên làn sóng kêu gọi không uống rượu bia khi lái xe…
Một số thống kê cho thấy có tới gần 80% thành viên các diễn đàn này ngay lập tức đồng tình và ủng hộ với 1 thông tin hoặc bình luận do các nhân vật có uy tín trên các diễn đàn này đưa ra, bất kể đó là gì. Ví dụ như sự kiện đi bộ tuyên truyền cho việc đã lái xe thì không rượu bia của OTOFUN ngày 11/5 vừa qua. Điều này cho thấy mặt tích cực của quyền lực mềm (nếu như được sử dụng đúng cách) là rất lớn.
Bên cạnh những tác động tích cực, “quyền lực mềm” này cũng tạo ra những mặt trái. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Như tôi đã nói, thành viên của các cộng đồng mạng xã hội hoặc các cư dân mạng là fan hâm mộ của 1 nhân vật nào đó có xu hướng tự động ủng hộ gần như bất cứ quan điểm hoặc thông tin nào do nhân vật đưa ra. Đây cũng là nguyên nhân gây ra mặt trái của quyền lực mềm, xuất phát từ sự dễ dãi (đôi khi là cuồng tín) và thiếu thông tin của công chúng. Sự dễ dãi này dẫn đến việc các cá nhân hoặc tổ chức sẵn sàng lợi dụng để trục lợi trong nhiều trường hợp. Điều này thường xảy ra khi một cộng đồng trên mạng xã hội cần gây thanh thế để thu hút fan, họ sẽ đưa ra các thông tin giật gân và thổi phồng, khiến cho một lượng lớn cư dân mạng đổ về theo dõi. Sau khi đã đạt được một lượng lớn theo dõi, cộng đồng đó sẽ dùng các nhân vật có tiếng tăm trên diễn đàn đưa ra các bình luận định hướng. Điều này sẽ ngay lập tức có hiệu quả khi hầu hết thành viên hoặc người theo dõi tin và làm theo.
Bên cạnh đó, việc truyền thông chính thống chậm chạp trong thông tin và cách phản ứng cũng dẫn đến việc công chúng tìm kiếm các thông tin trên mạng xã hội nhiều hơn và coi rằng có độ tin cậy cao hơn.
Chúng ta nên định hướng giới trẻ như thế nào khi sử dụng mạng xã hội để tránh những ảnh hưởng tiêu cực và có thể sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả?
- Trong bối cảnh hiện nay, việc cấm đoán hoặc ngăn chặn gần như là không thể. Ngược lại, chúng ta cần thỏa hiệp và cần các tấm gương, các nhân vật có thể tạo ra xu hướng, hoặc các nhân vật đáng ngưỡng mộ trên mạng xã hội. Giới trẻ hiện nay hướng đến và thích những nhân vật tiêu cực bởi có ít những tấm gương hoặc nhân vật tích cực hoặc nếu có thì không được truyền thông đầy đủ. Trên thực tế có những người nổi tiếng tích cực có lượng theo dõi và ủng hộ rất lớn như MC Phan Anh, Phạm Hoàng Giang, v.v. nhưng như vậy là không đủ. Chúng ta cần nhiều hơn những nhân vật thuộc thế hệ cuối 9x, đầu 10x bởi đây là lớp kế cận của thế hệ Millenium, thế hệ sẽ làm nên tương lai của Việt Nam trong 30 năm tới.
Mọi quan niệm về cơ chế, sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể nhà trường, gia đình, xã hội chỉ là hô hào suông nếu không có cái gì đó làm cho giới trẻ tin theo và hành động.
Trân trọng cảm ơn ông!