Chính trị

Kiểm soát quyền lực tại các cơ quan phòng, chống tham nhũng

H.Vũ 31/07/2024 09:06

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Một trong những vấn đề quan trọng được kế hoạch xác định là kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

Nhưng làm sao để kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là vấn đề đang được đặt ra. Bởi thời gian qua, từ các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện đều thấy “bóng dáng” vi phạm của các cơ quan.

Ngay bản thân Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng từng chỉ rõ, báo cáo trước Quốc hội về tình hình tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, để kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ông Phạm Trường Dân, ĐBQH khoá XIII cho rằng, mọi quyền lực phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. “Qua các vụ án tham nhũng được truy tố, xét xử và một số vụ án đang được điều tra thấy rằng quyền lực không được giám sát chặt chẽ. Người được giao quyền lực không thực hiện đầy đủ quyền lực mà mình được Đảng, Nhà nước giao. Còn cơ quan giám sát quyền lực dù có giám sát nhưng không kỹ, để xảy ra vi phạm, tham nhũng, thất thoát tiền tài sản của Nhà nước quá nhiều” - ông Dân nêu vấn đề.

Từ đó theo ông Dân, giao quyền lực cần gắn với trách nhiệm, làm đến nơi đến chốn. Thấy “không ổn” thì phải xử lý, tránh việc để xảy ra vi phạm mới xử lý. Nghĩa là “bật đèn đỏ” ngay từ lúc phát hiện vi phạm. Các cơ quan chức năng giám sát quyền lực phải làm hết trách nhiệm, giám sát chặt chẽ. Giao cho giám sát nhưng để xảy ra vi phạm thì phải liên đới chịu trách nhiệm. Người được giao quyền lực, và người được giao giám sát quyền lực (cấp trên) thì phải chịu trách nhiệm. Do đó cần “siết” lại vấn đề kiểm soát quyền lực.

Theo ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, vừa qua có tình trạng vi phạm trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay trong Hiến pháp đã hiến định nhiệm vụ của các cơ quan. Vì vậy bên cạnh việc phải đảm bảo tính độc lập của các cơ quan theo nguyên tắc chung thì Viện kiểm sát cần tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp, việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra. Còn trong quá trình xét xử thì Toà án chỉ tuân theo pháp luật.

Để hạn chế tối đa người đi làm công tác bảo vệ pháp luật lại vi phạm, theo ông Trường cần công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, trừ vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước. “Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, nhân dân, và báo chí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án” - ông Trường cho hay.

Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực như cuộc cách mạng, chống nội xâm. Do đó phải “kiên quyết, liên tục” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu không sẽ thực hiện nửa vời. Chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc cực khó. Do đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực tại các cơ quan này, tránh việc đi thanh tra, kiểm tra mà lại “nhận quà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát quyền lực tại các cơ quan phòng, chống tham nhũng