Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng, đang là vấn đề báo động ở nhiều nơi, đặc biệt là những đô thị lớn như TP Hà Nội, TPHCM. Để chống ô nhiễm môi trường hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) Đỗ Đức Duy, các bộ, ngành, địa phương cần phải hành động ngay, hành động đúng và hành động có trách nhiệm.
Chia sẻ tại Hội nghị tổ công tác tham vấn ý kiến, hoàn thiện “Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030” do Bộ NNMT tổ chức ngày 5/7, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo Bộ trưởng, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là thách thức rất lớn. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết vấn đề này, nhất là trong các cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng.
Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết ô nhiễm không khí, là Việt Nam cần thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải; siết chặt quy chuẩn khí thải từ giao thông. Trong thời gian qua, dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, tuy nhiên kết quả đạt được trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 2 con số trở lên.
Theo Bộ trưởng, việc cải thiện chất lượng không khí là một hành trình dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên định. Ông cũng cho rằng, khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lấy ví dụ: mức hiện tại của Việt Nam là 48 µg/m³, vậy đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, còn 38 µg/m³; Giai đoạn 2030-2035 giảm tiếp 20%, còn khoảng 30 µg/m³.
Để giảm nồng độ bụi mịn từ 10-20%, Bộ trưởng đánh giá điều tiên quyết là xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải. Điều quan trọng là cần phân loại, khoanh vùng rõ ràng để xây dựng giải pháp phù hợp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNMT Hà Nội cho biết: "Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy nhưng con số thực tế có thể cao hơn, lên tới 8 triệu xe máy, chưa kể xe của người dân các vùng lân cận vào Hà Nội làm ăn buôn bán hằng ngày. Đây không chỉ là phương tiện đi lại của người dân mà còn là phương tiện làm ăn, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ khi khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy chạy xăng cũ sang xe điện".
Đại diện Sở NNMT TPHCM, nơi có lượng xe máy, xe ô tô lớn nhất cả nước cũng đồng tình với ý kiến đề xuất của đại diện TP Hà Nội.
TS Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, vào các tháng cuối năm (sau tháng 10 trở đi), số ngày mà nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vẫn còn rất phổ biến, chiếm khoảng 35% tổng số ngày trong “kỳ ô nhiễm”, riêng tại Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức xấu. Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm. Riêng với TP Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47 µg/m³, vượt gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.
Về nguyên nhân, theo ông Thức, có 3 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, ô nhiễm không khí đến từ hoạt động giao thông vận tải gồm cả bụi đường do phương tiện tham gia giao thông cuốn lên và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố. Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5 tại khu vực Hà Nội, nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 15% và từ bụi đường khoảng 23%. Thứ hai là từ hoạt động xây dựng bao gồm các hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh, công trình công cộng, công trình giao thông gây nên tình trạng phát sinh bụi, phần này đóng góp khoảng 17%. Và nguyên nhân thứ ba, là từ hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và quá trình sản xuất, các cơ sở bao gồm cơ sở nhỏ lẻ, khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Số liệu tính toán cho thấy phần này đóng góp khoảng 29%.
Báo cáo tại Hội nghị về việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030, TS Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NNMT) cho biết, dự thảo kế hoạch phải lượng hóa rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo tinh thần “6 rõ” của Chính phủ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Mục tiêu tổng thể của kế hoạch là tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng không khí trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong đó, 3 nhóm mục tiêu cụ thể gồm cải thiện chất lượng không khí, trong đó từng bước kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Giảm 20% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức “xấu” trở lên so với năm 2024 (năm 2024 ghi nhận 47 ngày); Giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024; Duy trì các thông số chất lượng không khí khác trong ngưỡng quy chuẩn.