Thế giới đang tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong quá trình phát triển như ô nhiễm trường nghiêm trọng, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học cũng như những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Đó là hệ quả của một giai đoạn phát triển thiếu bền vững, khi mà cả thế giới “tăng trưởng kinh tế trước, giải quyết các vấn đề môi trường sau”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị khoa học quốc tế về tuần hoàn vật chất và quả
Ảnh minh họa.
Hiện Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với trình độ công nghệ và quản lý lạc hậu, chưa thân thiện môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng, phát sinh nhiều chất thải.
Lượng chất thải rắn ở Việt Nam đang gia tăng nhanh, là một trong những vấn đề bức xúc trong công tác bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) vẫn chưa hiệu quả và còn nhiều tồn tại. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị và nông thôn đều chưa được phân loại tại nguồn. Chất thải rắn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp, trong khi đó phần lớn các bãi chôn lấp của cả nước đều không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ 3R và xử lý chất thải rắn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư. Hoạt động tái chế đang phát triển tự phát ở các làng nghề, với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Vẫn còn một tỷ lệ chất thải nguy hại chưa được quản lý tốt, thiếu công nghệ, thiết bị xử lý, xử lý kém hiệu quả, tiêu hủy chưa an toàn.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý chất thải, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đặc biệt là Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025. Các chiến lược đã nhấn mạnh các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy 3R hướng tới giảm lượng chất thải rắn phát sinh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp, trong đó kiểm soát, tái chế và sử dụng công nghệ hiện đại trong tái chế là quan trọng. Đặc biệt ở những nước đang phát triển, xây dựng và thay đổi thói quen tiêu dùng, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng là việc cần được quan tâm.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày 9 đến 11/3/2016 với sự tham gia của 300 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu trong nước. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng ISPONRE khẳng định: “Đây là Hội nghị khoa học có quy mô lớn, tập hợp nhiều nhà quản lý, nhiều chuyên gia cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chất thải từ nhiều nước trên thế giới. Việc tổ chức Hội nghị lần 3 sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam nhằm chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách về quản lý chất thải và phát triển công nghệ 3R. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này”.