Kiểm tra học kỳ trực tuyến: Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực

Nguyễn Hoài 27/12/2021 13:45

Dù lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, việc kiểm tra đánh giá học kỳ I có thể linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy theo tình hình dịch bệnh tại các địa phương, tuy nhiên cho tới thời điểm này câu chuyện kiểm tra học kỳ trực tuyến hay trực tiếp vẫn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Từ ngày 27/12, các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn 8 địa phương cấp quận và 67 địa phương cấp xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3 cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy học trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài phức tạp, việc bảo đảm an toàn cho học sinh hay bảo đảm chất lượng bài kiểm tra định kỳ học kỳ I là câu hỏi mà nhiều phụ huynh đặt ra.

Linh hoạt phương án kiểm tra học kỳ

Trước lo lắng của phụ huynh, nhất là phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2 về thông tin kiểm tra đánh giá học kỳ I bằng hình thức trực tiếp, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã khẳng định Sở không bắt buộc các trường phải tổ chức kiểm tra học kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2.

Theo ông Tiến, bài kiểm tra định kỳ đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có thể được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của dịch Covid-19 tại đơn vị vào thời điểm tổ chức đánh giá, các nhà trường chủ động quyết định hình thức kiểm tra phù hợp nhằm bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh và tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, gia đình học sinh.

Sở GDĐT không bắt buộc các trường phải tổ chức kiểm tra học kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2.

Trong trường hợp tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng giáo dục và đào tạo trước khi thực hiện. Phòng GDĐT tổng hợp báo cáo Sở GDĐT.

Ghi nhận từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội, dù mong muốn kiểm tra trực tiếp cho học sinh để đảm bảo quyền lợi của các em nhưng phần lớn các trường chọn và xây dựng kế hoạch để tổ chức kiểm tra trực tuyến.

Là địa phương thuộc khu vực an toàn và đã tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9, khối 12, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GDĐT huyện Ba Vì cho biết, quan điểm của huyện là khối nào đã được đi học trực tiếp sẽ kiểm tra trực tiếp. Học sinh chưa được đến trường sẽ kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến.

Tại huyện Mê Linh, Phòng GDĐT huyện xây dựng phương án kiểm tra học kỳ I đối với lớp 1, lớp 2 với cả hai phương án trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GDĐT huyện Mê Linh, trường nào đảm bảo các điều kiện an toàn, được sự đồng thuận của phụ huynh sẽ chia ca để học sinh đến trường ôn tập và kiểm tra trực tiếp. Trường hợp bất khả kháng, học sinh sẽ kiểm tra trực tuyến bao gồm các học sinh liên quan đến F, khu vực phong toả và gia đình không đồng ý cho con tới trường.

Kiểm tra đánh giá lại với trường hợp bất thường

Trước băn khoăn, lo lắng của một số phụ huynh học sinh về tính chính xác, khách quan của chất lượng bài kiểm tra chất lượng học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến đối với học sinh phổ thông, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) nêu quan điểm, học trực tiếp hay trực tuyến đều phải đảm bảo chất lượng kiểm tra, đánh giá.

Theo ông Thành, hiện nay việc triển khai, đánh giá thường xuyên được Bộ GDĐT điều chỉnh thực hiện theo tinh thần kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của người học. Thầy cô đánh giá ngay trong quá trình dạy học, có thể kiểm tra đánh giá nhiều lần, sau đó lựa chọn một số kết quả. Hình thức dạy học trực tuyến cũng được thực hiện như trên.

Theo ông Thành, nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại.

Với học trực tuyến, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cũng được quy định tại Thông tư 09, trong đó, giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng không thể đến trường. Các trường quyết định cách thức thực hiện để đảm bảo công bằng, minh bạch rõ ràng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực học sinh. Bài kiểm tra đánh giá định kỳ, kết quả đánh giá định kỳ phù hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Đặc biệt, với lớp 1, 2, 6 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, định hướng phát triển năng lực của học sinh, Thông tư 22 quy định rõ, đánh giá sự phát triển về kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. Như vậy, đề kiểm tra phải đáp ứng được yêu cầu trên.

Về phía phụ huynh, ông Thành cho rằng, phụ huynh nên nhìn nhận đánh giá định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực thay vì lo lắng gian lận; đồng thời tạo điều kiện để học sinh làm bài kiểm tra nghiêm túc. Các nhà trường vẫn có các biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, trông thi bình thường…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý, nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo quy định chung, công khai, minh bạch, tuân thủ theo quy định, tháo gỡ những khó khăn, bất thường xảy ra trong quá trình học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm tra học kỳ trực tuyến: Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO