Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, quy mô kinh tế Kiên Giang vươn lên đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL (năm 2022 đạt 116 nghìn tỷ đồng, đứng sau tỉnh Long An 156 nghìn tỷ đồng; dự kiến cuối năm 2023 đạt 129,6 nghìn tỷ đồng).
Ngày 22/8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết).
Theo báo cáo, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, trong 27 chi tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, có 6/27 chỉ tiêu vượt, 14/27 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên. Kinh tế tiếp tục phát triển, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,29%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2023 ước tăng 1,2%/năm.
Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 108/116 xã, 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới và đang trình Hội đồng Trung ương xét công nhận thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Công nghiệp-xây dựng của địa phương tiếp tục phát triển, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 8,26%. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội từ năm 2021 ước đến cuốn năm 2023 đạt 121.445 tỷ đồng (đạt 45,46%). Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 11,33% (Nghị quyết đề ra bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 10%). Thu ngân sách từ năm 2021 ước đến cuối năm 2023 được 35.653 tỷ đồng, đạt 48,41% (Nghị quyết đề ra giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng).
Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, đổi mới, chất lượng được nâng lên. Hệ thống trường, lớp được đầu tư, nâng cấp, sáp nhập một số điểm trường không đủ điều kiện hoạt động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng nâng lên về chất lượng. Hoạt động khoa học-công nghệ có bước tiến bộ. Nhiều đề tài, dự án được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Quan tâm đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, quản lý hoạt động báo chí, chất lượng phát thanh-truyền hình được nâng lên.
Địa phương đã lãnh đạo thực hiện khá tốt các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giải quyết việc làm hàng năm cho 35.000 lượt lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9% (ước đến hết năm 2023 còn 1,7%). Công tác quốc phòng, an ninh được thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia.
Địa phương cũng chú trọng nhiều hơn việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế. Thực hiện khá tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, quan tâm phát triển đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục nâng lên; tập trung huy động, đầu tư khai thác, phát huy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ; quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đạt được một số kết quả tích cực.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của Kiên Giang vẫn duy trì tăng trưởng ở mức khá, ước tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,29%. Quy mô kinh tế vươn lên đứng thứ hai khu vực ĐBSCL (năm 2022 đạt 116 nghìn tỷ đồng, đứng sau tỉnh Long An 156 nghìn tỷ đồng; dự kiến cuối năm 2023 đạt 129,6 nghìn tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2020.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, nhiệm vụ của nửa nhiệm kỳ còn lại rất nặng nề, đặc biệt là các nhiệm vụ, chỉ tiêu về kinh tế. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, dự báo bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức tác động. Do đó, phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, mới hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
“Nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ khá nhiều và rất quan trọng. Tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương và từng đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội đã giao, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ đảng viên, nhân dân vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh nhà trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại hội nghị.