Kiến nghị báo cáo của Mặt trận là 'hồ sơ cứng' trong lấy phiếu tín nhiệm

H.Vũ 10/06/2023 06:35

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc công khai trong cả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, dự thảo hiện chỉ quy định nguyên tắc công khai đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định mà không nói đến công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.

Từ đó, bà Nga đề nghị rà soát để bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm để đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc trong cả hai hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo bà Nga, các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của MTTQ các cấp chính là một kênh thông tin quan trọng trong việc xem xét, quyết định, đưa ra các vấn đề của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách, bán chuyên trách tới từng địa bàn cơ sở, MTTQ nắm bắt được rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri.

Vì vậy, trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nga kiến nghị báo cáo của MTTQ nên đưa vào thành phần “hồ sơ cứng” để các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Báo cáo này của MTTQ còn có thể đưa vào tài liệu chuyển đại biểu nghiên cứu trước phiên họp lấy phiếu, bỏ phiếu diễn ra để các đại biểu có thêm thời gian yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giải trình.

Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XIII, đó là kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cũng cho biết, tại Quy định số 96-QĐ/TW có quy định về quan điểm và nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu.

Trên cơ sở đó, bà Hoa đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, trong việc tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa.

“Quy định số 96-QĐ/TW khi đề cập đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ. Vậy đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này phải được sử dụng như thế nào? thì cũng cần phải được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này” - bà Hoa đặt vấn đề.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương nhất quán đã được quy định trong Hiến pháp và quy định tại nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ đó ông Hải Anh đề nghị, bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để phù hợp, đảm bảo việc đánh giá toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị báo cáo của Mặt trận là 'hồ sơ cứng' trong lấy phiếu tín nhiệm