Giá điện đã chính thức tăng thêm 8,36%. Điều dư luận quan tâm hiện nay là giá điện tăng mức đó có hợp lý hay không và ngành điện đã thực sự minh bạch trong các tính toán chi phí sản xuất của mình? Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng ra sao đến các chỉ số kinh tế vĩ mô? Những câu hỏi này đã được giới chuyên gia, nhà quản lý và cả EVN lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau.
Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến.
EVN cũng không muốn tăng giá điện
Từ ngày 20/3, mức giá bán điện bình quân đã chính thức được Bộ Công thương điều chỉnh, tăng thêm 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Với mức điều chỉnh tăng này, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng, sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả thêm 77.200 đồng/tháng.
Nêu nguyên nhân của việc tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đã đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3. Cụ thể, giá than cho điện đã được điều chỉnh tăng thêm 5%, một số nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng.
“Việc tăng giá điện một mặt thực hiện đầy đủ theo Quy định 24 của Chính phủ nhưng khi xem xét phải xem xét cân đối vĩ mô, phân bổ dần khoản nợ phải treo, tính toán ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách” – ông Tuấn nhấn mạnh. Vẫn theo ông Tuấn, trước khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện tại Việt Nam bằng với các nước nêu trên và bằng 91% giá điện bình quân của nhiều nước trên thế giới.
Nói thêm về nguyên nhân tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri -Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, khi lập phương án tăng giá điện, EVN cân nhắc nhiều phương án để giảm chi phí và đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Nhưng GDP tăng 6,8%, điện thương phẩm tăng 11% và áp lực tăng trưởng đang là gánh nặng lớn khi chi phí đầu vào tăng lên, trong khi đó, nước về các hồ thuỷ điện khô cạn…
“Đúng là không ai muốn tăng giá điện, bản thân chúng tôi cũng không muốn, vì về nhà chúng tôi vẫn phải trả tiền điện. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải làm bởi nguồn cung điện EVN có thể đảm bảo chỉ khoảng 40-50%, số còn lại phải mua điện từ các nhà phát triển điện độc lập, chúng ta đang phải nỗ lực để đảm bảo tốt cho vấn đề an ninh năng lượng quốc gia” – ông Tri nói.
Nói về những tác động của việc tăng giá điện lên các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể: Với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Giá điện chính thức tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 vừa qua.
Cần bỏ cơ chế bù chéo để tạo sự công bằng
Chia sẻ về việc giá điện tăng ở thời điểm này, ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nêu quan điểm, trên thực tế cả người dân và doanh nghiệp (DN), không ai mong muốn tăng giá điện bởi giá điện tăng tất yếu sẽ tạo áp lực lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân.
“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này không tạo bất ngờ cho DN bởi trong thời gian qua, áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, khả năng cung ứng điện gặp nhiều khó khăn đã được nêu rõ. Các DN khi xây dựng kế hoạch hoạt động cũng đã tính đến việc giá điện tăng” – ông Long nói.
Lãnh đạo DN này cũng bày tỏ quan điểm rằng, trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn về nguồn cung điện cho sản xuất cũng như những áp lực về thiếu hụt năng lượng, các DN muốn phát triển bền vững cần phải nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Trước những băn khoăn của dư luận về tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh của EVN, Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri cho biết đơn vị này là DN hiếm hoi thuê kiểm toán độc lập về kiểm toán báo cáo tài chính cũng như các chi phí đầu vào, chi phí sản xuất của ngành điện. “Chúng tôi minh bạch toàn bộ các hoạt động của tập đoàn. Lần đầu tiên vào năm 2018, chúng tôi thực hiện xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế” – ông Tri nói.
Thừa nhận việc tăng giá điện là điều tất yếu, vì nếu không tăng giá điện, ngành điện sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, làm tốt trọng trách của việc cung ứng điện năng cho nền kinh tế, song theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì Bộ Công thương, Chính phủ cần xem lại cơ chế bù chéo vẫn đang thực thi hiện nay vì cơ chế này bộc lộ nhiều điểm thiếu công bằng cho các hộ sử dụng điện.
Phân tích rõ hơn quan điểm của mình, ông Lực cho biết, hiện nay các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép đang được “ưu ái” khi được bù giá điện. Đây là những ngành “ngốn” rất nhiều điện năng (ước tính ngành công nghiệp nặng tiêu tốn 55% tổng lượng điện), nhưng do được hưởng cơ chế bù chéo lại được trả tiền điện với giá thấp nhất, tính ra là 6,8 cent/kWh.
Trong khi đó, người dân phải trả tiền điện sinh hoạt trung bình là 8,7 cent/kWh và thiệt thòi nhất là các DN ngành dịch vụ và các ngành khác khi phải trả 10 cent/kWh. Chúng ta phải tiến tới sửa Luật Điện lực, bỏ bù chéo để không tạo ra những bất công như vậy đối với các hộ sử dụng điện. Như vậy người dân, DN sẽ đồng thuận và sẵn sàng trả giá điện với mức hợp lý hơn” ông Lực kiến nghị.
“Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ gây sức ép đến tăng giá thành sản phẩm của các DN. Khi giá thành sản phẩm tăng, tất yếu sẽ tạo áp lực chi phí đời sống của người dân. Việt Nam đang thời kỳ mở cửa, hội nhập sâu rộng, việc tăng giá điện sẽ khiến các DN bị giảm sức cạnh tranh so với các DN trong ASEAN, cũng như trong khối CPTPP. Tôi cho rằng, việc tăng giá điện cần phải kèm theo những hỗ trợ đối với các DN nếu không sẽ tác động tiêu cực đến cộng đồng DN trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. |