Bộ LĐTBXH vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Như vậy, năm 2021 có thể sẽ là lần đầu tiên lương tối thiểu chưa tăng sau nhiều năm...
Bộ LĐTBXH cho biết, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Dịch bệnh đã khiến tình hình kinh tế-xã hội trong nước bị tác động nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm qua.
Thị trường lao động bị tác động nghiêm trọng, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động bị sụt giảm mạnh. Số lao động bị ảnh hưởng, có thể đến 30,8 triệu lao động do nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập và nghỉ việc. Đến nay vẫn chưa thể dự báo được diễn biến dịch bệnh và tác động tới nền kinh tế. Trước thực tế này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp 2 lần để thảo luận về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2021 và đi đến thống nhất khuyến nghị là tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu hiện hành của năm 2020 cho tới hết năm 2021.
Ngoài ra, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đề xuất chưa ban hành mới về mức lương tối thiểu theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng.
Theo Bộ LĐTBXH, cơ quan này thống nhất với khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia về phương án lương tối thiểu năm 2021. Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa quy định lương tối thiểu theo giờ. Chuyển sang thực hiện nghiên cứu tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm thích hợp của năm 2021, dự kiến quý III/2021.
Trước đó Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành họp 2 phiên để thảo luận cho phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến chưa được thống nhất, song trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đại diện Bộ LĐTBXH đưa ra quan điểm không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa ban hành lương tối thiểu theo giờ để phù hợp với việc chưa tăng lương.
Đề xuất của Bộ LĐTBXH dựa trên các cơ sở gồm: Bộ Luật lao động không quy định bắt buộc hàng năm phải điều chỉnh lương tối thiểu; tác động của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế giảm, thị trường lao động bất ổn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao … Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản cũng được lùi lại tới 1/7/2022 (thay vì tăng từ 1/7/2021).
Theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều đặn hàng năm để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Như vậy, với khuyến nghị chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 thì có thể đây sẽ là lần đầu tiên lương tối thiểu không tăng sau nhiều năm.