Kiến nghị dẹp nạn 'xe dù bến cóc', xe limousine 'trá hình'

Lê Khánh 03/11/2023 10:22

Hiệp hội vận tải TP Hà Nội vừa có kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xử lý một cách quyết liệt tệ nạn "xe dù bến cóc", xe giả danh xe hợp đồng, xe limousine, xe ghép trên các tuyến...

Cần quyết liệt dẹp nạn xe dù bến cóc

Theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho biết, những người đang công tác trong ngành vận tải hết sức đau lòng khi nhận được tin Nhà xe Thành Bưởi (TP Hồ Chí Minh) để xảy ra tai nạn khủng khiếp, làm nhiều người chết và bị thương.

Trong khi chờ cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra và xử lý của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người có trách nhiệm trước quyền lợi của người dân để sớm khắc phục những rủi ro trong quản lý điều hành ngành vận tải, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội nêu một số nội dung về quản lý phương tiện vận tải.

Theo đó, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội kiến nghị xử lý một cách quyết liệt tệ nạn "xe dù bến cóc", xe giả danh xe hợp đồng, xe limousine, xe ghép trên các tuyến...

Xe khách nối đuôi nhau dừng đỗ bắt khách trên đường Phạm Hùng.

Cùng đó, thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT về xe hợp đồng không được trực tiếp bán vé cho khách, xe hợp đồng phải gửi danh sách đi xe về Sở GTVT địa phương để quản lý.

Bên cạnh đó, xe khách tuyến cố định sau khi đón khách bằng xe trung chuyển phải làm thủ tục xuất bến. Quy hoạch lại hệ thống bến xe phải gần dân, cho tăng thêm tần suất theo yêu cầu của thị trường, phải được đồng ý của địa phương và các bến xe sau khi được Bộ GTVT phê duyệt.

Hiệp hội vận tải TP Hà Nội kiến nghị muốn dẹp "xe dù bến cóc" thì Bộ Tài chính nên có thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý (như trước đây). Xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý. Việc làm này phải thống nhất trong cả nước, có mức thuế riêng cho từng vùng miền.

Theo quy định, xe hợp đồng không được bán vé tại điểm đón trả khách, danh sách hành khách phải được gửi vào Sở GTVT trước 1 ngày.

Ngoài ra, nên quy hoạch lại bến xe phù hợp với sự phát triển hạ tầng, không nên đưa bến xe ra xa để dân đỡ đi xa và gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan nhà nước sớm ban hành các quy định và quản lý giao thông vận tải: quy định trách nhiệm của từng ngành từng cấp, quan tâm đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương, biểu dương các đơn vị làm tốt được nhân dân khen ngợi.

Cùng đó, chào mừng sự kiện khởi công xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đăng ký với thành phố xin thành lập "trung tâm trung chuyển hành khách" đi và về đường sắt tốc độ cao tại Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc do các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Đề nghị thành phố ghi nhận và hướng dẫn theo quy định của luật pháp và Luật Thủ đô.

Tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải khách hợp đồng trên cả nước

Bộ GTVT cũng vừa có yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch.

Theo lý giải của Bộ GTVT việc yêu cầu tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải nhằm triển khai Công điện ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch.

Tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn địa phương.

Trong đó chú trọng kiểm tra đối với phương tiện từ 10 chỗ trở lên; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn địa phương.

Đối với các Sở GTVT, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn.

Đặc biệt, từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải để kiểm tra việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 7/11/2023 đến 18/1/2024, Sở GTVT sẽ làm việc với 34 doanh nghiệp, hợp tác xã và 6 bến xe khách để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, điều kiện hoạt động.

Theo đó, đợt kiểm tra này của Sở GTVT Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Nội dung kiểm tra 34 doanh nghiệp và 6 bến xe về các điều kiện pháp lý để hoạt động; điều kiện phương tiện và công tác quản lý; nơi đỗ xe; điều kiện lái xe và công tác tuyển, quản lý lái xe; thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt camera; lệnh vận chuyển; bộ phận quản lý theo dõi hoạt động của phương tiện; hồ sơ kê khai giá cước, niêm yết giá cước…

Các đơn vị vận tải được kiểm tra hầu hết là các doanh nghiệp, hợp tác xã đang có nhiều phương tiện xe khách hoạt động, trong đó có Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh, Chi nhánh Công ty TNHH Hưng Thành, Công ty CP ô tô khách Hà Tây, Công ty CP xe khách Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Bắc Hà…

6 bến xe sẽ kiểm tra bao gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị dẹp nạn 'xe dù bến cóc', xe limousine 'trá hình'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO