Kiến nghị nhiều giải pháp sau giám sát

Tuệ Phương 15/07/2023 09:00

Dù mới triển khai tại cơ sở được gần 2 năm nhưng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trong kiểm tra, giám sát các Chương trình, dự án đang triển khai thực hiện.

Giám sát việc làm đường bê tông thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Ảnh: Trần Quyên.

Bắc Giang là tỉnh miền núi, trong đó đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) chiếm 14,2% dân số chủ yếu ở 73 xã thuộc 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Trước những yêu cầu đặt ra cho sự phát triển của khu vực này, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đầu tư nhiều chính sách an sinh xã hội, trong đó phải kể đến Chương trình MTQG 1719. Đây là Chương trình lớn, hỗ trợ đầu tư trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là trên 299 tỷ đồng gồm nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, vốn tín dụng và ngân sách huyện, xã.

Tính đến cuối năm 2022, toàn bộ 10 dự án trong Chương trình MTQG 1719 đã được các chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện như hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân. Hỗ trợ đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam cho 507 hộ thụ hưởng; thực hiện 2 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ trên địa bàn huyện Sơn Động và Yên Thế; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với 17.750 ha...

Ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, để nâng cao hiệu quả giám sát trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế và giám sát qua báo cáo các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn. Tại các các đơn vị, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra hồ sơ việc triển khai thực hiện chương trình; đồng thời tiến hành giám sát tại tại mỗi huyện 2 xã, tổ chức khảo sát các công trình, mô hình tại các địa phương.

Qua hoạt động giám sát của Mặt trận cho thấy, UBND các các cấp đã kịp thời triển khai thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các địa phương chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng từ thôn, bản, tổ dân phố đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ. Bên cạnh đó các đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại như công tác tuyên truyền có nơi còn chưa được sâu, rộng; tiến độ triển khai và giải ngân một số dự án còn chậm; chất lượng xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình ở cấp xã còn hạn chế...

“Chương trình được triển khai trong bối cảnh vừa tổ chức thực hiện, vừa hoàn thiện cơ chế chính sách từ cấp Trung ương, đến cấp tỉnh. Nhiều vấn đề còn chưa rõ, nhận thức về cách thức thực hiện còn khác nhau. Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng của từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần trong Chương trình có tính chất khác biệt như một số chính sách thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, một số chính sách chỉ thực hiện tại vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt chính quyền địa phương, MTTQ tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đạt kết quả cao nhất” - ông Trần Công Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình, địa phương này đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Để tìm hướng khắc phục, Mặt trận tỉnh Bắc Giang đã có những kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc đặt ra.

Cụ thể, hiện nay mức hỗ trợ làm nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 70 triệu đồng/hộ, trong khi mức hỗ trợ Chương trình MTQG 1719 là 44 triệu đồng dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ thực tế đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương điều chỉnh, để đảm bảo thực hiện tốt việc hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị nâng mức khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, vì hiện nay theo quy định Điều 9 Thông tư số 12/2022, ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa khuyến khích được được người dân tham gia bảo vệ rừng.

Để nâng cao hiệu quả giám sát trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế và giám sát qua báo cáo các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn. Tại các các đơn vị, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra hồ sơ việc triển khai thực hiện chương trình; đồng thời tiến hành giám sát tại tại mỗi huyện 2 xã, tổ chức khảo sát các công trình, mô hình tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị nhiều giải pháp sau giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO