Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có kiến nghị gửi các cơ quan quản lý, với nội dung đưa lãi suất huy động hạ dần về 0%, từ đó đưa lãi suất cho vay ra nền kinh tế giảm, giảm tải gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp.
Cụ thể trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, VAFI lập luận rằng, các nước Âu - Mỹ, các nước Đông Âu và các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5% - tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp (DN) và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho hay, các nước trong khối ASEAN như Thailan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2-0,7%/năm. Còn với nước ta tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5- 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2-3 lần. Đây là bất lợi lớn cho cộng đồng DN Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình
Theo VAFI, Việt Nam đã có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng muốn thực hiện thì Chính phủ phải thiết lập các giải pháp để kiểm soát được dòng tiền nhàn rỗi, để điều tiết nó chảy vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế và ngăn không cho nó chảy vào các kênh có hại cho nền kinh tế.
VAFI đánh giá, thời gian qua, NHNN đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia. Tuy nhiên, điều này gây nên hạn chế là xuất hiện dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tác động mạnh tới an sinh xã hội khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua được 1 ngôi nhà cho chính mình và mặt không tích cực này sẽ cản trở mạnh khả năng hạ lãi suất tiền gửi và như vậy dư địa hạ thấp lãi suất cho vay tín dụng là không còn nhiều.
Theo thống kê mới nhất của NHNN công bố hôm 21/6, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.