Kiến trúc truyền thống trong đời sống đương đại

Phạm Sỹ 15/11/2023 09:00

Nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), chứa đựng đậm nét văn hóa và tín ngưỡng của từng dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nơi không còn giữ được kiến trúc nhà ở truyền thống, dẫn đến bản sắc dần mai một.

Nhà trình tường đồng bào Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai). Ảnh: Trọng Bảo.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển

Sự biến dạng của môi trường sinh thái và môi trường nhân văn bên cạnh những trào lưu di dân theo nhu cầu sinh kế hoặc hôn nhân đang diễn ra, chứa đựng trong nó cả những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng đời sống kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của các dân tộc cư trú tại các địa phương.

Sự biến đổi mạnh mẽ về kiến trúc tại một số điểm du lịch nổi tiếng về cảnh quan và kiến trúc thời gian qua trước hết là do đã bị bê-tông hóa, nhân danh của sự phát triển vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, bày tỏ sự lo ngại về sự biến mất cũng như cách bảo tồn kiến trúc nhà ở một số vùng đồng bào DTTS hiện nay. Theo ông Sơn, ở những vùng đồng bào DTTS đang có quá trình biến đổi, tiếp biến văn hóa dẫn đến nhà sàn, nhà trình tường… bị thay đổi. Đây là một quá trình khó tránh khỏi nhưng lại là điều hết sức đáng buồn. Sự biến đổi này là cả một quá trình, vì vậy rất cần phải bảo tồn.

Ông Sơn đưa ra ví dụ như nhà trình tường của người dân tộc Hà Nhì không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc mà cả một tri thức nổi tiếng. Toàn bộ tri thức ứng xử với thiên nhiên đều được người Hà Nhì vận dụng. Hay như nhà sàn của người dân tộc Thái cũng vậy, từ mái cho đến không gian bên trong cũng rất giá trị…

Ông Sơn cho rằng, do cuộc sống biến đổi, chức năng của ngôi nhà cũng có xu hướng biến đổi. Cùng với đó là xu hướng từ nhà sàn xuống ở nhà thấp. Những ngôi nhà cấp 4 vừa dễ xây dựng mà không tốn kém như làm nhà sàn. Dự án bảo tồn nhà chậm tiến hành, nhiều nơi khi thực hiện dự án này thì không còn nhà để bảo tồn hoặc công tác bảo tồn không có sự tư vấn của các chuyên gia dẫn đến công tác bảo tồn bị sai lệch. Vì vậy dự án bảo tồn nhà của đồng bào DTTS phải được đổi mới, một dự án có tính chất văn hóa và đặc trưng văn hóa.

Nhà đồng bào Thái ở Bản Lác (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Việt Thanh.

Còn theo PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, sự giao thoa và biến đổi văn hóa là một quy luật vận động. Bất kỳ nền văn hóa nào cũng gắn liền với sự phát triển, vừa mang tính nội tại và giao thoa tiếp biến văn hóa. Các thành tố văn hóa bao giờ cũng vận động, vì vậy kiến trúc, nhà cửa bên cạnh tính truyền thống thì cũng có sự vận động, biến đổi do nhiều yếu tố. Vì vậy ở nhiều vùng DTTS, bên cạnh các yếu tố kiến trúc truyền thống, nhiều vùng có sự thay đổi về nhà ở. Việc biến đổi này là do chính cộng đồng cư dân quyết định. Chúng ta chỉ có thể khuyến cáo bà con, ngoài việc tiếp thu thì giữ gìn yếu tố truyền thống để đảm bảo đặc trưng tộc người. Khi nào người dân cảm thấy cần phải giữ gìn văn hóa tộc người của mình thì khi đó họ sẽ tìm cách trở lại. Sự trở lại theo hướng tái tạo lại không gian văn hóa truyền thống, nhà cửa truyền thống trên nền tảng của những chất liệu mới.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, ở đây có sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Các ngôi nhà truyền thống của đồng bào các DTTS thay đổi một cách tự phát. Nếu có các kiến trúc sư, các chuyên gia văn hóa tham gia vào quá trình này thì những ngôi nhà truyền thống được cải tạo sẽ tốt hơn.

Nhà rông đồng bào Ba Na (tỉnh Kon Tum).

Bài toán tối ưu?

Để giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống vùng đồng bào DTTS, theo PGS.TS Lâm Bá Nam, điều cần làm trước tiên là phải tuyên truyền cho bà con về nhận thức văn hóa truyền thống. Trong kho tàng văn hóa truyền thống có cả một hệ giá trị liên quan đến cuộc sống người dân. Khi người dân cảm thấy đấy là kho tàng và là hệ giá trị của bản thân họ thì tự khắc người dân sẽ bảo vệ. Cùng với đó, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và cộng đồng, những điều kiện trong chừng mực có thể để người ta khai thác các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ trong phát triển.

Có thể tái lập lại các ngôi nhà truyền thống để phát triển du lịch, khai thác các hệ giá trị khác như việc làm lại những ngôi nhà công cộng để tiến hành các nghi lễ truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa truyền thống nhưng ở đó tiếp thu các yếu tố hiện đại. Có hồn cốt của ngôi nhà truyền thống nhưng nếp sinh hoạt hiện đại hơn, phù hợp trong bối cảnh ngày hôm nay, phục vụ cho sự phát triển du lịch… Điều chỉnh một số chức năng cho phù hợp trong bối cảnh mới, điều chỉnh phù hợp với việc khai thác văn hóa với tư cách là nền tảng trong sự phát triển.

Theo TS Trần Hữu Sơn, để bảo tồn kiến trúc nhà của vùng đồng bào DTTS, trong thời gian tới, Luật Di sản hoặc trong các thông tư, nghị định hướng dẫn, cần có điều hướng dẫn về bảo tồn làng. Mỗi một tỉnh, một dân tộc nên bảo tồn một làng, bản. Muốn làm được điều đó thì phải có sự đầu tư lớn. Công tác bảo tồn phải gắn với du lịch, giúp cho cộng đồng cư dân ở đó có thêm thu nhập. Bên cạnh đó phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức đến người dân.

Ngày 7/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04 "Về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống". Chỉ thị nêu rõ "xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến trúc truyền thống trong đời sống đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO